Nhân tướng học là học thuyết nghiên cứu về hình dáng, bố cục của cơ thể, qua các cách xem tướng mặt, xem ngũ quan, dáng đi, xem nốt ruồi… để dự đoán về tính cách, số mệnh vận hạn, cũng như công danh sự nghiệp của đương số. Tuy nhiên học thuyết về tướng thuật có rất nhiều trường phái, mỗi phái lại có hệ thống lý luận khác nhau nên đã hình thành nên nhiều quan điểm về tướng mệnh liên quan tới các bộ phận và kết cấu trên gương mặt con người.
Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển đến nay, cổ nhân đã để lại rất nhiều tài liệu cho hậu thế nghiên cứu về nhân tướng học. Nhưng cũng chính vì nhiều tài liệu quá khiến cho hậu nhân dễ bị đi vào ma trận, không biết đâu là chân đâu là ngụy.
Hôm nay Lý Khí Việt Nam tổng hợp lại kiến thức về Nhân tướng học theo thứ tự từ tổng quát đến chuyên sâu, từ đơn giản (theo lý thuyết) đến cao thâm (cảm nhận về khí).
Để xem được tướng mệnh thì trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về “Nhân tướng học là gì” và “Nguồn gốc và ứng dụng của Nhân Tướng Học” theo dõi bài viết cùng Lykhi.com nhé.
1. Nhân Tướng Học tổng quát
Nhân tướng học là gì?
Lời đầu tiên Lý Khí xin nhắc lại: “Nhân tướng học không phải một bộ môn khoa học thần bí, mà là khoa học nhận dạng trên cơ sở Nhân trắc học”. Nhiều người vẫn nghĩ nhân tướng học là một khái niệm khá “siêu hình”, thần bí… và không phải ai cũng có khả năng “nhìn người để đoán tính cách, số phận”.
Bản chất thật sự nhân tướng học là phương pháp quan sát con người, từ đó tìm hiểu tính cách và suy đoán về số phận. Như vậy, cấu tạo cơ thể như cấu tạo não, cấu tạo cơ mặt, hệ xương… sơ bộ cho phép chúng ta biết được nhóm tính cách cơ bản như: Mạnh mẽ, quyết đoán, yếu mềm, nặng tình cảm… Các tính cách gốc này sẽ tạo nên nhóm các hành động tương ứng trong các mối quan hệ xã hội.
Tập hợp các hành động sẽ tạo nên sự phản hồi của xã hội, từ đó hình thành thiên hướng phát triển của mỗi con người, sẽ tạo nên sự thuận lợi, khó khăn tương ứng với tố chất, tính cách gốc. Giàu nghèo – sang – hèn cũng từ đó mà ra.
Nhân tướng học hình thành trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm. Là một tập toán quy nạp cỡ lớn. Ví dụ: 4000 năm trước, có người làm thống kê, thấy những người thành đạt chức công – hầu – khanh – tướng đều có trán phẳng, vuông vức (điều này thì liên quan đến tiểu não – não trước). Họ thống kê, tổng hợp lại, làm một cơ sở dữ liệu. Tiếp theo lại tích lũy những đặc điểm khác theo kiểu: nhất lé, nhì lùn, tam rô, tứ rỗ…
Nguồn gốc và ứng dụng của Nhân Tướng Học
Thuật xem tướng bắt nguồn từ đâu?
Rất khó để xác định được nguồn gốc ra đời của thuật xem tướng. Trong “Đại Đới Lễ ký” có chép:
“Xưa vua Nghiêu chọn người dựa vào dáng vẻ, vua Thuấn chọn người dựa vào khí sắc, vua Vũ chọn người dựa vào lời nói, vua Thanh chọn người dựa vào âm thanh, Văn Vương chọn người dựa vào phong độ.”
Năm vị vua của bốn thời đại này dùng cách chọn người như thế để trị thiên hạ. Qua đó có thể thấy, các thủ lĩnh đế vương thời thượng cổ đã bắt đầu thông qua việc quan sát diện mạo, khí sắc, ngôn ngữ, âm thanh và phong độ của con người để tuyển lựa người tài. Cách lựa chọn nhân tài này, không còn nghi ngờ gì nữa, có thể xem là sự manh nha của tướng thuật thời thượng cổ.
Tuân Tử thời Chiến Quốc đã nói: “Xem nhân tướng, người thời cổ không có thuật này, quân tử không nói đến thuật này”, nhưng các học giả đã phát hiện rất nhiều ghi chép liên quan tới “xem tướng” trong “Tả Truyện” và “Quốc ngữ”.
Trong các tài liệu văn hoá khác cũng ghi chép không ít trường hợp thông qua quan sát lời nói, hành động, tướng mạo để tuyển chọn người tài. Do đó, có thể thấy trước thời Tuân Tử khá lâu, tướng thuật đã có sự ảnh hưởng nhất định đối với xã hội.
Như vậy thì tướng thuật xuất hiện từ khi nào? Theo khảo chứng về những ghi chép thời cổ thì tướng thuật có thể ra đời khoảng giữa thế kỷ 7 trước công nguyên. Căn cứ vào ghi chép trong các tư liệu văn hoá cổ thì ít nhất tướng thuật đã bắt đầu lưu hành phổ biến trong xã hội thượng lưu ở thời Xuân Thu.
Khi đó, rất nhiều bậc quý tộc đã lấy tướng thuật làm căn cứ phán định để chọn người thừa kế. Tướng thuật thời kỳ này hiển nhiên không còn mang dáng dấp của giai đoạn mới xuất hiện. Những ghi chép trên cho thấy ở thời đại mà “Tả Truyện” ra đời thì tướng thuật không những được lưu truyền phổ biến mà còn hình thành thuật tướng pháp một cách hệ thống nhất định.
Từ đó có thể suy ra, tuy những ghi chép sớm nhất liên quan đến tướng thuật xuất hiện giai đoạn đầu Xuân Thu, nhưng thời kỳ Xuân Thu không phải là điểm khởi nguồn của tướng thuật.
Lý luận cơ bản của tướng thuật là gì?
Tướng thuật Trung Quốc cổ đại cho rằng khi con người sinh ra thì bẩm sinh đã mang hai khí âm dương khác nhau cho nên cơ hội phát triển vận mệnh cũng đa dạng và phức tạp. Quan sát khí bẩm sinh của một người thì có thể biết vận thế cát hung cũng như tính cách của người đó.
Âm dương Ngũ hành vốn là hai khái niệm triết học gắn liền với nhau, có thể bao quát toàn bộ giới tự nhiên và xã hội con người. Mối quan hệ máu thịt giữa văn hoá thuật số Trung Quốc cổ đại với văn hoá phong kiến chính thống đã quyết định việc tướng thuật chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết âm dương Ngũ hành.
Các nhà tướng thuật thời cổ không chỉ mô phỏng những tư tưởng chính thống của giới phong kiến khi dùng nguyên lý âm dương biến hoá và lý luận Ngũ hành sinh khắc để giải thích các hiện tượng tự nhiên và xã hội, mà còn phát triển thêm một bước là đem lại cho chúng những quan niệm mang tính huyền bí, và ứng dụng vào các thuật số như xem bói, tinh mệnh, tướng pháp,… để suy đoán về vận mệnh cá nhân.
Tướng thuật cổ đại Trung Quốc cho rằng trời đất, vạn vật đều có thể quy vào Ngũ hành, cũng có nghĩa là con người và vạn vật tự nhiên có cùng nguồn gốc sinh ra. Xét về lý luận của Ngũ hành thì hình thể, khí chất của con người cũng có thể phân thành năm hình thái là Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ, từ đó hình thành nên tướng pháp Ngũ hành dành cho người hình Kim, người hình Mộc, người hình Thuỷ, người hình Hoả, người hình Thổ, thể hiện rất rõ nét về lý luận Ngũ hành.
Học thuyết Ngũ hành
Học thuyết Ngũ hành cho rằng mọi sự vật trên thế giới đều là do vận động biến hoá giữa năm loại vật chất cơ bản là Mộc, Hoả, Thổ, Kim, Thuỷ mà thành, thế giới là sự cân bằng động của trạng thái tương sinh tương khắc của Ngũ hành.
Tướng thuật và Đông y phải chăng có cùng nguồn gốc?
Lý luận Đông y và lý luận tướng thuật đều bắt nguồn từ học thuyết Âm dương Ngũ hành. Đông y lúc đầu cũng là một bộ phận trong thuật số Ngũ hành. Lý luận Đông y cho rằng, lục phủ ngũ tạng, ngũ quan cửu khiếu của con người là một chỉnh thể thống nhất.
Những bộ phận trên cùng với tứ thời, tứ phương, ngũ hành, ngũ âm, ngũ thanh, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ tình, ngũ khí phối hợp với nhau, tương tác lẫn nhau. Phải “hài hoà với âm dương, điều hoà cùng bốn mùa” thì mới thuận với nguyên lý khoẻ mạnh, trường thọ của tự nhiên. Nguồn gốc lý luận của tướng thuật Trung Quốc cổ đại cũng tương tự như thế.
Đông y và tướng thuật đều có một nguồn gốc lâu đời. Do vậy, muốn làm sáng tỏ một cách chính xác xem ngành nào phụ thuộc và chịu ảnh hưởng của ngành nào là một việc rất khó. Dựa trên nội dung các sách y thuật và tướng thuật cổ, có thể thấy rằng cả hai ngành này bao hàm lẫn nhau. Trong y học, có những thành phần mang nội dung tướng thuật; ngược lại trong sách tướng thuật cũng bao hàm rất nhiều nội dung y thuật.
Điểm giống nhau chủ yếu giữa tướng thuật và y thuật là thông qua việc quan sát các hiện tượng xảy ra trên cơ thể con người trong cuộc sống thực tế để thiết lập nên một mối quan hệ nhân quả. Điểm khác nhau nằm ở chỗ y thuật thiết lập mối quan hệ mang tính tất yếu và tính hợp lý nội tại, còn tướng thuật thiết lập mối quan hệ thiếu tính hợp lý và tất yếu.
Điều này đã dẫn đến sự gượng ép của lý luận tướng thuật và đó là nguyên nhân cơ bản khiến cho tướng thuật bị sa vào mê tín dị đoan. Tuy nhiên việc vận dụng nhiều lý luận Đông y trong tướng thuật cũng khiến nó trở nên hợp lý trong một phạm vi nhất định.
Những nhân tốt có gì ảnh hưởng đến xem tướng?
Tướng mạo của con người xuất phát từ nhân tố di truyền bẩm sinh. Vì vậy, tướng mạo của con cái thông thường khá giống với cha mẹ. Ví dụ như cha mẹ có một cái cằm dài nhô ra thì con cái chắc chắn đều giống như thế. Cha mẹ lúc trẻ đều mọc mụn trứng cá thì xác xuất con cái mọc mụn trứng cá cao hơn 20 lần so với gia đình người không có tiền sử bệnh. Ngoài ra nếu da của cha mẹ hơi đen thì da của con cái cũng hơi đen, da của cha mẹ trắng thì da con cái cũng trắng.
Con cái giống cha mẹ vì chịu ảnh hưởng của các nhân tố di truyền. Nếu cha mẹ là nghệ thuật gia, thì con cái cũng sẽ bộc lộ tài hoa nghệ thuật từ lúc nhỏ. Cha mẹ thời trẻ xinh đẹp thì con cái sau khi trưởng thành cũng tương đối thanh tú.
Tuy nhiên bên cạnh nhân tố di truyền bẩm sinh thì môi trường sống và giáo dục chiếm vai trò quan trọng hơn. Cách cha mẹ giáo dục con cái, tình hình giáo dục ở trường và môi trường xung quanh,… đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể xác và tinh thần của trẻ.
Ngoài nhân tố di truyền, hoàn cảnh địa lý cũng có ảnh hưởng rất lớn đến thuật xem tướng. Người sinh trưởng ở nơi khác nhau thì đặc điểm tướng mạo và bản tính đều sẽ khác nhau.
- Người phương Nam có Thiên đình đầy đặn bởi vì phương Nam có sản vật phong phú, giao thông thuận lợi, mọi người không lo lắng về cơm áo gạo tiền. Một khi cơ sở vật chất đã có thì người ta bắt đầu theo đuổi cuộc sống tinh thần, coi trọng văn học nghệ thuật. Theo thời gian, vầng trán tiêu biểu cho trí thông minh tự nhiên sẽ tương đối phát triển.
- Người phương Bắc có Địa các đầy đặn, do hoàn cảnh địa lý tạo thành nên người phương Bắc phải phấn đấu gian khổ, tính cách cương nghị chịu được vất vả, nên Địa các tượng trưng cho vậtchất cũng tương đối phát triển.
Do đó trong sách tướng có nói: “Người Nam trọng Thiên đình, người Bắc trọng Địa các”, có nghĩa là quan sát tướng mặt của người phương Nam cần chú trọng Thiên đình; quan sát tướng mặt của người phương Bắc nên chú trọng Địa các.
Căn cứ lý luận của tướng thuật có phải là “thiên nhân hợp nhất”?
“Thiên nhân hợp nhất” nhấn mạnh đến sự hợp nhất của “nhân đạo” (đạo người) và “thiên đạo” (đạo trời), đó là sự thống nhất giữa việc người và tự nhiên. Thời kỳ tướng thuật truyền thống Trung Quốc xuất hiện là thời
Sự cảm ứng lẫn nhau giữa người và tự nhiên
Giữa con người và trời đất vạn vật, tồn tại một mối liên hệ phổ biến và tương tác qua lại lẫn nhau. Quan niệm về mối quan hệ trời – người này tất nhiên sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tướng thuật học.
kỳ thịnh hành tư tưởng triết học cho rằng con người và tự nhiên có cùng nguồn gốc. Vì vậy, tướng thuật truyền thống cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng này. Lý luận tướng thuật Trung Quốc cổ đại cho rằng con người với thiên nhiên và xã hội cùng có một cấu tạo tương ứng.
Con người và tự nhiên, xã hội đều có cùng một nguồn gốc, nguyên lý, cùng tăng giảm, cùng tạo thành một chỉnh thể hữu cơ, hài hoà cân đối, nương tựa lẫn nhau. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên rất nhịp nhàng và thống nhất. Bởi vậy, rất dễ thấy rằng nó đã dựa vào nguyên lý “thiên nhân hợp nhất”.
Những sự kiện chính trị nào có liên quan đến thuật xem tướng?
Sự phát triển của thuật xem tướng trong lịch sử còn tuỳ theo mức độ ưu ái của những nhân vật thống trị, khi nhân tố này tăng lên thì tướng thuật thậm chí đôi khi còn có tác dụng mang tính quyết định trong lịch sử chính trị Trung Quốc.
Tương truyền khi Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt chọn vương tử đã thỉnh giáo nhà tướng thuật Thái Hoè. Thái Hoè cho rằng trong đám hoàng tôn của Nguyên Thế Tổ có một vị xứng đáng là thiên tử trị vì thiên hạ thái bình trong tương lai. Người này chính là Nguyên Thành Tông Thiết Mục Nhĩ.
Trong tác phẩm “Thất tu loại cảo” của Lang Anh đời nhà Minh ghi rằng khi Chu Nguyên Chương phân phong chư vương (phong tước và đất cho con, em), để củng cố chính quyền và phòng ngừa làm loạn đã lệnh cho cao tăng Viên Củng xem tướng cho các vương.
Viên Củng sau khi xem tướng cho Yên Vương Chu Đệ đã ca ngợi rằng người này “quý bất khả ngôn” (sang không kể xiết), trong tương lai nhất định có thể làm thiên tử. Chu Nguyên Chương trước vốn do dự, sau khi nghe xong lời tâu trên bèn lập tức ra quyết định.
Thông qua tướng thuật, Viên Củng đã giao phó mệnh trời thiêng liêng cho Yên Vương Chu Đệ. Tất nhiên việc này tạo cho Chu Đệ một chỗ dựa tâm lý và nguồn động lực lớn, và quan trọng hơn cả là qua đó đã tuyên truyền rộng rãi về thiên mệnh, có thể thu phục lòng dân, củng cố lòng quân trên mức độ lớn nhất, đây mới là ý nghĩa chính trị thực sự của tướng thuật.
Nội dung chủ yếu khi xem tướng cho phụ nữ thời xưa là gì?
Tướng thuật cho rằng tướng mệnh của cả hai bên vợ chồng đều sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến vận mệnh của đối phương. Tuy nhiên, do thời cổ nam nữ không bình đẳng, nên mọi người xem trọng hơn tướng mệnh của phụ nữ.
Xem tướng phụ nữ tập trung vào hai điểm mấu chốt là chân và cằm. Trong tướng thuật quy nạp tướng phụ nữ về hai điều: tướng mạo bẩm sinh có phù hợp với nguyên lý âm nhu hay không, hành vi cử chỉ hậu thiên có phù hợp với yêu cầu đoan trang, nhu mì hay không. Những nguyên lý này nhằm thoả mãn chế độ tông pháp thời cổ đại, mang hình thái ý thức nam tôn nữ ti. Cụ thể các yêu cầu mà tướng phụ nữ cần phải có là:
Cằm dưới phải tròn trịa, đầy đặn, săn chắc thì tính tình mới đôn hậu, cuộc sống có thể an nhàn, sung túc và yên tĩnh.
Hai chân cần phải nhỏ và linh hoạt. Từ đôi chân của phụ nữ có thể quan sát sự mạnh yếu của âm khí bên trong cơ thể, qua đó đoán biết tính tình cương hay nhu, thuỳ mị hay nóng nảy. Tướng thuật cho rằng, tướng phụ nữ tốt nhất cần đôi chân nhỏ nhắn và linh hoạt, bởi vì “nhỏ” cũng là tiêu biểu cho vẻ đẹp âm nhu.
Văn hóa truyền thống Trung Quốc có ảnh hưởng thế nào đối với quan niệm về tướng mạo nam, nữ?
Tướng thuật coi “tri nhân” (nhận biết người) làm mục đích, thông qua việc quan sát dung mạo, cơ thể để đoán trước tương lai vận thế của con người. Thời kỳ tướng thuật trỗi dậy và phát triển cũng chính là thời kỳ học thuyết Âm dương Ngũ hành lưu hành rộng rãi. Việc cùng tồn tại và gây ảnh hưởng trong thời gian dài đã khiến cho tướng thuật hoàn toàn hấp thụ học thuyết âm dương về thiên địa vạn vật và con người, xã hội, đồng thời vận dụng vào việc giải thích vận mệnh.
Tướng thuật cho rằng, nam giới giống trời, mang tính dương, vì vậy tướng mạo của nam giới lấy cao và nặng làm chủ. Phụ nữ giống đất, mang tính âm, vì vậy dung mạo của phụ nữ lấy nhu mì, hài hoà làm chủ.
Các khái niệm trên tuy không đem tướng tốt của nam nữ phối hợp với âm dương một cách rõ ràng, nhưng hiển nhiên là hợp với quan niệm âm dương truyền thống. Sách “Thái Thanh thần giám” đã tổng kết các quan niệm như sau: “Nên hình dáng, có cái nghĩa của âm dương cương nhu, có cái thể của Ngũ hành chính loại. Nên nam giới cương chính mạnh mẽ, là hợp với tính dương; phụ nữ nhu thuận hiền hoà, là hợp với tính âm”.
Cần nhìn nhận một cách lý tính ra sao về thuật xem tướng?
Tướng thuật cổ đại đan xen cả nội dung mê tín và nhân tố hợp lý, thật giả lẫn lộn, lý tính và phi lý tính đan cài, duy vật và duy tâm xen kẽ. Chúng ta cần đối chiếu và phân tích cụ thể từng vấn đề, đồng thời chọn lựa thái độ kế thừa có chọn lọc và phê bình. Trong những nội dung đó có một số là văn hoá tri thức và kinh nghiệm cuộc sống của tiền nhân, có một số là biểu hiện cụ thể của tư tưởng triết học cổ đại.
Bên cạnh đó cũng có nhiều luận điểm vô căn cứ và hoang đường, như việc căn cứ vào tướng mạo của con người để phán đoán thiện ác, thọ yểu, giàu nghèo, sang hèn và cát hung hoạ phúc…
Tóm lại, để có thái độ chính xác khi đánh giá tướng thuật, nên dựa vào lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Đối với tướng thuật, cần có những phân tích thực sự cầu thị, coi đó như một hiện tượng văn hoá. cần phải chỉ ra tính giả dối, lừa gạt đối với những nội dung mang tính duy tâm, mê tín, phong kiến bằng việc tiến hành phê bình một cách khoa học và cẩn trọng.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận tất cả những điều đó phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử đặc thù của xã hội cổ đại và do bộ máy xã hội tạo ra. Chính sự tồn tại của những nhân tố này đã yêu cầu chúng ta biết kế thừa mang tính chọn lọc, dựa trên quan điểm duy lý để nhìn nhận về lý luận tướng thuật nhằm có sự chính xác trong đánh giá.
Làm thế nào phán đoán người xem tướng có chính xác hay không?
Xem vận mệnh con người là một công việc nghiêm túc. Muốn thông qua xem tướng để biết vận thế cả đời của mình, đương nhiên ai cũng muốn tìm được thầy tướng thuật cao minh để giải thích về chân tướng nhân sinh. Tuy nhiên, làm thế nào mới có thể biết được một thầy tướng thuật có phải là danh sư cao minh chân chính hay không? Đáp án đương nhiên cũng phải thông qua hành vi xem tướng để nhận biết rõ. Cách trực tiếp hiệu
quả nhất là xem hai con mắt của ông ta. Trên gương mặt con người thì đôi mắt vô cùng quan trọng, không những có thể phản ánh tính cách đặc trưng của người đó, mà còn phản ánh tầm nhìn có sáng suốt hay không. Ngựời phi phàm thì hai mắt chắc chắn sẽ bất phàm.
Người xem tướng, vì mỗi ngày phải xem cho đủ các loại người, nên tâm phải không có tạp niệm, và có sức quan sát tương đối. Nếu có một người xem tướng mang thành kiến nội tâm của mình đi xem tướng cho người, hoặc không có kinh nghiệm thì về căn bản, đó không phải là một thầy tướng chân chính. Người giỏi xem tướng có ánh mắt vô cùng sắc sảo, nếu không thì việc xem tướng sai là điều chắc chắn
Cặp mắt của thầy tướng thuật
Thầy tướng thuật tài giỏi sẽ có đôi mắt sắc sảo, họ từng tiếp xúc với vô số người, có sức quan sát rất tốt. Từ đó thầy tướng số sẽ đúc rút ra kinh nghiệm và cảm ngộ của riêng mình.
Giai thoại về tướng thuật
Thần tướng Ma Y đạo giả
Ma Y đạo giả là một bậc thầy về tướng thuật trong lịch sử tướng thuật Trung Quốc. Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến ông, do đó cuốn sách “Ma Y Thần Tướng” rất có khả năng do người đời sau mượn danh ông để viết ra.
Trần Đoàn là đạo sĩ sống vào đầu đời Tống, tương truyền lúc 5 tuổi vẫn chưa biết nói. Một ngày, ông ta đang nô đùa bỗng gặp một người phụ nữ mặc áo xanh tự xưng Mao Nữ. Bà ta bế Trần Đoàn vào trong núi, lấy mật hoa cho ăn, từ đó tâm khiếu Trần Đoàn lập tức mở mang, thốt lời nói chuyện. Mao Nữ lại lấy một quyển sách đặt vào trong lòng cậu ta, và tặng thơ:
Dược miêu bất mãn tứ,
Hựu cánh thướng nguy điên.
Hồi thủ quy khứ lộ,
Tương tương nhập thuý yên.
Nghĩa là: Mầm thuốc chưa đầy sọt, lại leo lên đỉnh núi cao. Ngoảnh đầu nhìn đường về, cùng nhau đi vào nơi khói biếc. Tối về đến nhà, Trần Đoàn đọc lại bốn câu thơ, cha mẹ rất giật mình vì con bỗng nhiên có thể nói chuyện, về sau mới biết là do Mao Nữ thu nhận, và quyển sách Trần Đoàn cầm về chính là “Chu Dịch”.
Ma Y đạo giả chính là sư bá của Trần Đoàn nên đem hết kỳ kinh truyền thụ cho ông. Sau khi Trần Đoàn trở thành người kế tục Ma Y đạo giả, ông đã trở thành một Đại tướng sư đời Tống. Theo truyền thuyết thì Trần Đoàn và Triệu Khuông Dận từng có duyên gặp mặt và ông nhận định rằng, Triệu Khuông Dận có tướng “nhân trung chi long”, mang tướng thiên tử. Sau này Trần Đoàn, nghe tin Triệu Khuông Dận lên ngôi Tống Thái Tổ, bèn cười lớn nói: “Thiên hạ đã định rồi!”
2. Ứng dụng của Nhân tướng học để làm gì?
Nhu cầu của con người là dự đoán tương lai. Nhân tướng học ra đời để thỏa mãn nhu cầu đó. Đa số nhân loại đều mong muốn biết trước được mình và người thân sẽ có số phận: Thọ – Yểu, Sang – Hèn, Thành – Bại… ra sao.
Vậy từ những quan sát bên ngoài về hình tướng bộ vị – còn gọi là hình tướng (liên quan đến các yếu tố bẩm sinh, di truyền…); về khí sắc – còn gọi là sắc tướng (liên quan đến sức khỏe, khả năng tư duy…) và Phong thái – còn gọi là thần tướng (liên quan đến khả năng ứng xử, phong cách sống…) đều có thể suy luận được hướng phát triển của con người trong tương lai.
Ví dụ về xem tướng
Về hình tướng: Gặp người nam giới có vầng trán rộng, quai hàm nở, ngũ quan cân đối, có thể suy luận người này có tư duy hệ thống tốt, có khả năng lãnh đạo, có thiên hướng quyền lực và khao khát thành công. Khuôn mặt của anh ta làm nhiều người nghĩ thế thì trong cuộc sống, anh ta sẽ thuận lợi vì tạo được cảm giác tin cậy, nể phục… Tóm lại là: “Cái mặt chơi được.”
Gặp người nam giới mặt nhọn, mắt một mí, trán hẹp, mi cốt thấp. Người giao tiếp có cảm giác chú này gian, khó chơi. Thế là số phận đã gặp thiệt thòi một cách tự nhiên. Kể cả anh ta có tài năng, nhưng cũng phải cố gắng gấp mấy lần người thường mới có thể vượt qua quan niệm xã hội. Vậy là thiệt rồi.
Về sắc tướng: Gặp người nữ giới có khuôn mặt hồng nhuận, da dẻ mịn màng, môi hồng mà không ướt. Nghĩa là sức khỏe của người này tốt. Trong một thời điểm, có thể dựa vào khí sắc mà đoán biết được người này đang ở đỉnh cao của các đồ thị: Sinh Lực, Trí lực, Tâm lực… vậy thì vận may, cơ hội đến là sẽ dễ thành công.
Còn vào lúc khác, sắc mặt u ám (trong người đang mệt, các đồ thị đi xuống) thì dù có gấp đôi cơ hội cũng không dễ dàng đạt được.
Về thần tướng: “Trông anh này sang, trông chị kia quý phái” thì nhiều người nhận ra ngay. Tại sao? Vì có thể do bẩm sinh, có thể do giáo dục, có thể do rèn luyện mà tạo ra phong thái ấy.
Lấy phong thái mà quan sát sẽ rất dễ nhận ra sang hèn, quý tiện, trung hậu – gian trá, thực tế – ảo tưởng… Vậy những người không cần học Nhân tướng, mà chỉ cần là nhà lãnh đạo lâu năm, người giao tiếp rộng, dân kinh doanh… có kinh nghiệm giao tiếp sẽ nhận ra điều đó, tuy nhiên họ sẽ không hệ thống và phân tích được. Lúc này, Nhân tướng học giống như là sách cẩm nang, bảng cửu chương đối với họ, rất dễ tiếp thu.
Do tướng thuật có rất nhiều trường phái, mỗi phái lại có hệ thống lý luận khác nhau nên đã hình thành nên nhiều quan điểm về tướng mệnh liên quan tới các bộ phận và kết cấu trên gương mặt con người. Nhân tướng học có thể nhìn vào khuôn mặt để đoán tính cách vận mệnh của mỗi người.
Tính đến tháng 7/2021 thế giới có gần 8 tỷ (7.837 tỷ) người trên quả đất hiện nay chẳng có người nào có gương mặt giống người nào một cách tuyệt đối, song qua nhân tướng học từ xưa cũng rút ra được những “mẫu số chung” để đúc kết một số hình dạng của các gương mặt.
Tướng thuật cổ đại cho rằng, lấy vị trí mũi làm đường thẳng trung tâm, từ chính giữa đường chân tóc phía trước chán tới cằm được phân chia thành 13 vị trí quan trọng dựa theo quan hệ Tam tài thiên, địa và nhân, rồi dựa vào đó để suy đoán vận mệnh, thiện ác, hiền ngu của con người.
Trong đó, trên trán có 4 vị trí, tức là Thiên Trung, Thiên Đình, Tư Không và Trung Chính, hợp thành cung quan lộc; phía dưới trán, giữa hai lông mày là Ấn đường, giữa hai mắt là Sơn Căn, trên sống mũi có Niên Thượng và Thọ Thượng, chóp mũi là Chuẩn đầu, phía dưới mũi có Nhân Trung, miệng là Thuỷ tinh, phía dưới miệng là Thừa Tương, cằm là Địa Các.
Cách xem tướng khuôn mặt đàn ông và phụ nữ tốt qua hình ảnh
Sự phân chia các vị trí trên khuôn mặt như vậy là có cùng nguyên lý, tương ứng với xã hội loài người, gương mặt đã phản ánh về mọi phương diện của con người như quan lộc, con cháu, gia nghiệp, tổ tiên,… có thể nói là rất toàn diện. Do đó, sau khi xác lập nên 13 vị trí trên mặt thì các nhà tướng thuật lại tiếp tục gán cho chúng những ý nghĩa lành dữ khác nhau, rồi dựa vào đó suy đoán về trạng thái thiện ác, thọ yểu, hiền ngu của con người.
Chẳng hạn như, họ cho rằng, Thiên trung chủ quý, cụ thể như sau:
- người có Thiên trung nhô cao thì sớm được làm quan, nếu tả sương liền kề thì có thể làm quan lớn.
- Còn người có Thiên Trung bằng phẳng thì nên đi xa mới có thể được hưởng lộc quan.
- Người có thiên trung khiếm khuyết thì không có đất dụng võ, gặp hoạ lao tù.
Hay như những người có thiên đình nhô lên cao, rộng rãi thì thời niên thiếu được hưởng phú quý, cả đời thành công, sống thọ, tuy nhiên nếu Thiên đình có khiếm khuyết hoặc mọc mụn, nốt ruồi thì sẽ chết bất đắc kỳ tử.
Lại nữa, những người có Tư Không nhô xương thì sẽ được làm quan lớn. Nhưng nếu Tư Không mọc nốt ruồi hoặc có nếp nhăn thì không quý không cát. Nếu ấn đường rộng rãi thì thông minh, nhanh nhẹn lại có Phúc mệnh, có thể nắm quyền sinh tử của người khác. Tóm lại, đây là một bộ học thuyết tướng vô cùng chặt chẽ.
Qua bài viết: Nhân tướng học toàn tập – Phần 1 [Tướng khuôn mặt] nếu vẫn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ trợ. Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:
Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết. Vui lòng chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin ở trên sẽ hữu ích với nhiều người!
Chúc bạn ngủ ngon!