100 Câu Hỏi Hay Về Phong Thủy [Học phong thủy nhanh nhất]

Fengshui Master
1,3K

100 Câu Hỏi Hay Về Phong Thủy [Học phong thủy nhanh nhất – Phần 4]

Chương 8. Hỏi – đáp về phong thuỷ phòng bếp và phòng vệ sinh

Trong thuật phong thuỷ, phong thuỷ phòng bếp và phòng vệ sinh có tầm quan trọng, chỉ đứng sau phong thuỷ cửa chính và phòng ngủ. Phòng bếp, phòng vệ sinh được thiết kế, trang trí hợp lí thì sức khoẻ và tài vận sẽ tự đến. Điều quan trọng nhất là ánh sáng phải đầy đủ, thông gió tốt, bảo đảm sạch sẽ và tránh sự tích tụ uế khí ở những góc khuất.

Câu 81: Phong thuỷ cho phòng bếp thế nào là tốt?

Trong thuật phong thuỷ nhà ở hiện đại ngày nay, vị trí phòng bếp và cách sắp xếp đồ đạc trong phòng bếp dần dần chiếm được một vị trí quan trọng. Bởi vì nó liên quan đến sự bình an, sức khoẻ của các thành viên trong gia đình.

Nên thiết kế phòng bếp ở phía Nam của nhà, vị trí tiếp theo là phía Đông hoặc Đông Nam. Kỵ nhất là phía Bắc, Tây hoặc Tây Bắc. Phòng bếp kỵ nhất là sát kề với phòng của chủ nhà. Trong phòng bếp kị có phòng vệ sinh hoặc cửa của phòng bếp đối diện với phòng vệ sinh. ánh sáng trong phòng bếp phải đầy đủ.

Tốt nhất là có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Không khí trong phòng bếp cần được lưu thông. Ngoài việc nên lắp máy mùi còn nên có quạt hút khí, để làm lưu thông không khí và làm giảm nhiệt độ trong phòng. Phòng bếp phải được khô ráo, thoáng đãng, độ ẩm không được quá lớn. Tránh để cửa ra vào phòng bếp chiếu thẳng vào bếp nấu.

Chỗ nấu bếp phải có khoảng không và độ cao cần thiết. Những vật sắc bén trong phòng bếp như dao, kéo không được để lộ ra ngoài. Phần quan trọng nhất trong phòng bếp là vị trí vòi nước. Vòi nước không được ở cùng vị trí với bếp nấu hoặc đối diện với bếp nấu. Nhưng phải có sự thiết kế hợp lí với toàn bộ đường nước trong nhà. Nguyên tắc thiết kế là: Hoả tiên, Thuỷ hậu hoặc Hoả cao, Thuỷ thấp.

Câu 82: Phòng bếp nên ở vị trí nào?

Vì phòng bếp biểu lộ tài mạo, trình trạng sức khoẻ của các thành viên trong gia đình, nên khi lựa chọn vị trí cho phòng bếp, cần xem xét kỹ lưỡng, chọn vị trí có lợi cho sự phát triển sự nghiệp và sức khoẻ của mọi người trong nhà. Phòng bếp không hợp với hướng Nam vì hướng Nam thuộc hành Hoả, phòng bếp thuộc hành Thuỷ, Hoả thượng thêm Hoả không có lợi cho ngôi nhà.

Hơn nữa phòng hướng Nam thì thức ăn dễ bị ôi thiu. Do đó tốt nhất là không chọn phòng bếp hướng Nam. Phòng bếp cũng không hợp với vị trí trung tâm của ngôi nhà. Vì vị trí này kị bị dơ bẩn, hôi hám.

Vị trí thích hợp nhất là hướng Đông hoặc Đông Nam của nhà. Vì hai vị trí này đều thuộc hành Mộc, mối tương quan với Thuỷ và Hoả đều ngang bằng nhau, rất tốt để làm phòng bếp hoặc phòng ăn.

Câu 83: Những điều kiêng kị trong phong thuỷ phòng bếp?

– Cửa phòng bếp không được đối diện cửa lớn. “Dương trạch tam yếu” viết rằng: “Khai môn kiến táo, tiền tài đa hao” (Mở cửa nhìn ngay thấy bếp, thì tiền tài hao hụt). Đó là cách nói của người xưa. Còn xét trên thực tế cũng thấy rằng: Nếu phòng bếp đối diện với cửa lớn, khi gió to thì sẽ làm tắt lửa. Nếu gặp phải tình trạng này, phương pháp hoá giải duy nhất là đổi cửa sang vị trí khác.

– Cửa phòng bếp, cửa phòng ngủ kị đối nhau: Vì khói nhà bếp, mùi thức ăn sẽ ảnh hưởng tới người trong phòng.

– Cửa phòng bếp tránh trực diện với cửa phòng vệ sinh. Bếp lò là nguồn sinh phúc lợi của cả nhà, cần được tích tụ cát khí. Mà nhà vệ sinh lại là nơi không sạch sẽ. Hơn nữa phòng bếp đại diện cho Hoả, nhà vệ sinh đại diện cho Thuỷ, Thuỷ – Hoả tương khắc.

– Phòng bếp và phòng vệ sinh không được cùng chung một cửa. Có nhiều gia đình vì tiết kiệm không gian, làm chung một cửa cho phòng bếp và nhà vệ sinh. Như vậy, thì Thuỷ Hoả lẫn lộn, không có lợi.

– Sàn của phòng bếp không được cao hơn sàn các phòng khác để tránh: “nhiễm thuỷ đảo lưu”. Ngoài ra để phân biệt cái chính, cái phụ, nền sàn bếp không được lấn át sàn phòng khách và các phòng còn lại. Lối đi hành lang ban công không được đối diện bếp, nhà sẽ không tích tụ được tài vận, người dễ bị mắc bệnh huyết áp cao hoặc một số bệnh khác.

– Bếp không được đối diện với tủ lạnh, vòi nước. Tủ lạnh thuộc hành Thuỷ bị Hoả kích thích. Bếp không được nằm dưới xà nhà. Những nơi hay hoạt động hoặc thường xuyên qua lại nên tránh bị trấn áp. Bếp là nơi nấu nướng, chế biến thức ăn thì cũng nên tránh bị xà nhà trấn áp.

Câu 84: Nên đặt bếp và các dụng cụ nhà bếp ở vị trí nào cho thích hợp?

Bếp chiếm một vị trí khá quan trọng trong thuật phong thuỷ nhà ở. Đặt bếp ở vị trí thích hợp sẽ có lợi cho sức khoẻ của gia đình.

Các phương pháp giải hung cho nhà bếp nói rằng:

“Táo nãi dưỡng bệnh chi nguồn, vạn bệnh giải do ẩm thực nhi đắc, táo nghi an Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên tam cát chi phương, bất nghi hung phương”:

(Bếp là nguồn dưỡng bệnh, vạn bệnh đều là từ ăn uống mà mắc phải, bếp thích hợp đặt ở ba phương cát lợi: An Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên). Không hợp đặt ở những nơi xấu.

Đối với nhà ở phương Bắc hướng sang Nam thì hướng Đông Nam là hướng sinh khí, gọi là thượng cát; hướng Đông là Thiên Y, gọi là trung cát; Diên Niên là chỉ hướng chính Nam, cũng gọi là thượng cát. Ba hướng này đều là hướng cát lành, thích hợp đặt bếp ở đây. Nhưng mặc dù Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên đều là ba hướng tốt nhưng khi thiết kế vẫn phải xem xét tình hình cụ thể của từng nhà cho thích hợp.

Cái bếp tượng trưng cho năng lực sáng tạo và cống hiến. Do vậy, tốt nhất là chọn những bếp sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên, như bếp ga, tránh dùng bếp có lực từ như bếp điện, lò vi sóng. Bếp nên đặt ở trung tâm cuả phòng bếp. Bề mặt bếp dùng thép không gỉ thì càng tốt.

Câu 85: Những điều kỵ khi thiết kế bếp nấu?

– Bếp kỵ ngược hướng với nhà: Hướng của bếp nấu và hướng nhà ngược nhau. Ví dụ: Nhà hướng từ Nam sang Bắc, bếp hướng từ Bắc sang Nam thì không cát lành.

– Bếp kỵ bị cửa hướng thẳng vào: Theo quan niệm phong thuỷ truyền thống: Bếp là nơi nấu nướng, dưỡng mệnh nên không được quá lộ. Đặc biệt không được để cho cửa dẫn theo khí bên ngoài hướng trực tiếp vào, để tránh những tổn thất cho nhà. Như cổ thư nói: Khai môn đối táo, tiền tài đa hao.

– Bếp kỵ đối cửa bếp: Bếp không được để lộ, cửa đối diện bếp cố nhiên là không tốt.

– Kỵ đối diện nhà vệ sinh: Bố trí bếp hợp lí, không được gần phòng vệ sinh, tránh bệnh từ đường miệng nhiễm vào, tổn hại sức khoẻ. Hơn nữa phòng vệ sinh có những khí bẩn. Do đó, không được để bếp đối diện trực tiếp phòng vệ sinh.

– Kỵ đối diện cửa phòng: Bếp là nơi sinh hoạt, bếp đối diện cửa sẽ không có lợi cho người trong phòng. Không thích hợp đặt cạnh phòng ngủ. Bếp sinh khí nóng, càng giảm được bớt mùi dầu mỡ, khói bếp càng tốt. Do đó, cửa phòng hướng thẳng ra bếp là không có lợi, đặc biệt là phòng ngủ.

– Bếp kỵ đằng sau có khoảng không: Bếp nên có tường ở đằng sau, làm vật dựa. Nếu phía sau là kính trong suốt thì không cát. Cổ thư nói: “Phàm táo, kị song quang xạ chi, chủ hung”.

– Kỵ trên ống dẫn nước: Bếp thuộc hành Hoả, ống dẫn nước thuộc hành Thuỷ, Thuỷ Hoả bất dung. Do vậy, để tránh hung thì không nên đặt hai vật này gần nhau.

– Bếp kỵ bị xà nhà trấn áp: Theo thuật phong thuỷ là “Hoành lương áp đỉnh”, giường ngủ hoặc ngồi ở những nơi có hoành lương áp đỉnh thì không tốt. Do đó, bếp ở dưới xà nhà cũng không tốt. Sẽ dẫn đến bệnh tật trong nhà, nhất là có hại cho chị em phụ nữ.

– Kỵ bị mặt trời chiếu xạ: Theo thuật phong thuỷ, nhà bếp hướng Tây, đặc biệt là bếp bị ánh nắng mặt trời hướng Tây chiếu vào thì không tốt. Vì như thế sẽ không có lợi cho sức khoẻ mọi người trong nhà.

– Tránh những góc nhọn: Các nhà phong thuỷ cho rằng: các góc sắc nhọn, dễ tạo nên tổn hại. Nếu bếp bị góc nhọn xung xạ thì sức khoẻ người ở trong nhà sẽ bị ảnh hưởng.

– Tránh Thuỷ Hoả tương khắc Vị trí bếp tránh đặt gần bồn nước. Bếp thuộc Hoả, bồn rửa bát thuộc Thuỷ. Do đó, hai cái không được ở gần nhau. Càng kỵ hơn là đặt bếp ở giữa hai vật thuộc Thuỷ. Ví dụ: đặt giữa máy giặt và máy rửa bát.

Câu 86: Nên chọn chất liệu gì cho bệ bếp là tốt nhất?

Bệ bếp là nơi làm đồ ăn, rửa, để đồ vật. Hiện nay, vật liệu làm bếp có ba loại chủ yếu. Đó là: Đá tự nhiên, đá nhân tạo và gỗ chống cháy.

Đá tự nhiên: Bao gồm các loại đá hoa cương, đá cẩm thạch với những hoa văn khác nhau. Màu sắc thông dụng có hai màu đen, trắng. Đá thiên nhiên thường cứng, rắn chắc. Đá cẩm thạch đen thì có độ cứng cao hơn, có tính thẩm mỹ trang trí cao mà giá cả lại hợp lí. Loại đá hoa cương có hoa văn đẹp nhưng độ cứng lại không bằng đá cẩm thạch. Đá hoa cương màu trắng tất nhiên tính năng chống bẩn sẽ thấp.

Giá cả của đá thiên nhiên có hoa văn rất khác nhau và có sự chênh lệch lớn. Đá hoa to màu xanh hoặc trắng, hoặc các loại nhập khẩu khác thường có giá đắt hơn.

Đá nhân tạo: Phân ra hai loại: Không có mối ghép và có mối ghép. Loại đá nhân tạo không có mối ghép thì hoa văn và độ cứng kém hơn đá thiên nhiên nhưng tính năng chống nước, chống bẩn, khả năng chống a xít lại rất tốt. Khi sử dụng những vật liệu này, do dùng keo chuyên dụng nên vết dính có thể không nhìn thấy khe hở, sau khi được xoa nhẵn thì sẽ khít với bề mặt bếp thành một khối.

Nếu những vết cắt nào còn chưa khít, xoa nhẵn xong sẽ có được độ bóng như ban đầu. Loại đá nhân tạo có mối ghép cũng có được ưu điểm là khi sờ vào thấy mịn màng và trơn như đá không có mối ghép nhưng giá cả lại rẻ hơn chút ít.

Gỗ chống cháy: Đang được yêu thích hiện nay bởi chủng loại, hoa văn đa dạng, giá cả hợp lí. Khi chọn gỗ chống cháy làm bề mặt bếp, chú ý xử lý tốt vị trí của bồn rửa, nhất là những chỗ dán keo. Nếu làm không cẩn thận, nước sẽ thấm vào giữa các lớp gỗ, lâu ngày sẽ làm mục, hỏng gỗ.

Câu 87: Đặt tủ lạnh ở nơi nào là hợp lí?

Đặt tủ lạnh ở vị trí nào trong nhà cũng đều ảnh hưởng đến phong thuỷ của nhà. Tủ lạnh thuộc hành Kim, người thuộc hành Kim thì trong nhà nên kê một tủ lạnh lớn. Thông thường tủ lạnh được kê ở gian bếp. Gian bếp là nơi vượng Hoả, Hoả khắc Kim, nên đặt tủ lạnh ở đây sẽ cân bằng được tính Hoả của gian bếp.

Vị trí nào thích hợp để kê tủ lạnh?

Nếu thành viên nào trong nhà muốn tăng thêm tính kim, thì đặt tủ ở vị trí thuộc mệnh của thành viên đó. Nếu chủ gia đình là nam muốn tăng thêm tính Kim, thì kê tủ lạnh ở góc phía Tây Bắc của gian bếp hoặc phòng khách. Nếu chủ gia đình là nữ muốn Kim, thì tủ đặt ở góc phía Tây Nam. Con trai cả thì đặt ở phía Đông, con gái cả thì đặt ở phía Đông Nam, con gái thứ đặt ở phía Nam, con trai thứ đặt ở phía Bắc.Căn cứ vào bát phương phong thuỷ học để biết được vị trí đặt tủ lạnh trong nhà.

Câu 88: Nồi cơm điện và phong thuỷ có quan hệ như thế nào?

Hơi nước và khí nóng sinh ra từ nồi cơm điện, sẽ tạo ra khí trường. Ngoài mùi dầu mỡ, khói bếp được tạo ra khi xào nấu, hơi nước sinh ra từ nồi cơm điện cũng ảnh hưởng đến từ trường trong nhà. Do đó, ảnh hưởng cát hung của phong thuỷ ngôi nhà. Nên đặt nồi cơm điện ở đâu? Vì nồi cơm điện toả ra nhiều hơi nước nên không thích hợp đặt dưới tủ bếp. Có nhiều vị trí khác nhau thích hợp để kê nồi cơm điện:

– Bố trí dựa vào lưu niên: Tìm ra vị trí nào lưu niên vượng nhất thì để nồi cơm điện ở chỗ đó, có thể thúc đẩy được cát tinh khí trường. Nồi cơm điện cơ bản cũng phân ra “ toạ” và “hướng”. Hướng của nồi cơm điện là chỉ vị trí của điện chế. Hướng vị hướng theo tài vị thì có thể chiêu tài. Bát bạch tài vị của năm nay là hướng Nam nên đặt nồi cơm điện ở vị trí từ Bắc hướng sang Nam thì có thể hấp thụ được Bát bạch tài. Nhưng sang năm sau thì có thể đặt ở vị trí từ Nam hướng sang Bắc mới có thể làm tăng tài tinh của phương vị này.

– Dựa vào Bát trạch minh kính: Đặt nồi cơm điện ở điểm Thiên Y sẽ làm cho gia đình được khoẻ mạnh nhưng phương pháp này hiện nay đã lạc hậu.

– Là cách có hiệu quả tốt nhất: Đặt nồi cơm điện ở vị trí thuộc mệnh của thành viên nào trong gia đình thì sẽ làm tăng thêm vận khí và khí tức của thành viên đó. Theo “ Dịch kinh cửu cung” người chủ nam của gia đình muốn tăng tính hoả thì để ở hướng Tây Bắc, người chủ gia đình là nữ thì để ở hướng Tây Nam, con trai cả thì ở hướng Đông, con gái cả thì ở hướng Đông Nam.

Câu 89: Nên trồng loại cây cảnh nào trong phòng bếp?

Phòng bếp nằm ở hướng Nam nên trồng cây quan diệp, có lợi cho sự tích trữ. Phòng bếp nằm ở hướng Nam thì sẽ bị ánh sáng chiếu mạnh bất giác sẽ tạo khuynh hướng thích tiêu pha. Cây quan diệp có thể làm dịu bớt khí nóng, làm giảm khuynh hướng này, giúp ích tích trữ, tiết kiệm. Phòng bếp ở hướng Đông là đại cát.

Còn nếu nằm ở các hướng khác thì có thể bày ở trên bàn hoặc đặt gần tủ lạnh một lọ hoa hồng, sẽ rất tốt cho sức khỏe. Phòng bếp ở hướng Tây thì đặt một lọ hoa màu vàng, hoa thủy tiên, lan tử la tam sắc cạnh cửa sổ, không chỉ có tác dụng ngăn chặn ác khí vào buổi đêm mà còn có thể mang lại tài vận. Phòng bếp ở hướng Bắc thì cắm hoa màu phấn hồng, màu cam để làm tăng vẻ sinh động cho phòng.

Câu 90: ánh sáng cho phòng bếp nên thiết kế như thế nào?

Ánh sáng trong phòng bếp có yêu cầu rất cao vì bề ngoài của thức ăn ngon mắt hay không được quyết định bởi ánh đèn, do đó ánh đèn chiếu vào rất quan trọng, có thể làm thức ăn trông ngon hơn tạo cảm giác thèm ăn. Nếu thời gian sinh hoạt ở phòng bếp lâu thì ánh đèn phải đủ độ sáng. Có vậy mới nâng cao được sự hấp dẫn của món ăn.

Thông thường, để chiếu sáng trong bếp, người ta hay dùng loại đèn trần tản nhiệt khảm chìm hoặc chìm một nửa vào trong tường. Trên bệ bếp thường được lắp máy hút mùi, máy có một bóng đèn loại nhỏ sẽ chiếu sáng cho bệ bếp. Nếu phòng bếp cũng làm phòng ăn thì có thể dùng loại đèn có thể nâng cao hạ thấp được hoặc đèn treo nhiều tầng. Màu của ánh đèn nên chọn loại có màu ấm áp, không thích hợp chọn đèn huỳnh quanh ánh sáng trắng, lạnh.

Câu 91: Làm thế nào để tạo phong thủy tốt cho phòng bếp?

Ba điều cốt yếu của dương trạch là “môn, chủ, táo”, phòng bếp là một phần trong số đó. Thức ăn là nguồn dưỡng mệnh, do đó phong thủy của phòng bếp là rất quan trọng. Nếu phong thủy không tốt, thứ nhất là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thứ hai là tài vận bị thương tổn, thứ ba là làm cho gia trạch bất an.

Do đó, lựa chọn vị trí của phòng bếp, sự sắp xếp các đồ vật trong phòng không thể không cẩn thận, kỹ lưỡng. Phòng bếp xưa và nay có sự khác biệt rất lớn. Ngày trước, bếp thường đứng riêng một gian, nước không lắp đặt trong bếp. Ngày nay, bếp được thiết kế ở trong nhà, hơn nữa lại được lắp đặt điện, nước và có thêm nhiều đồ đạc khác. Vì vậy, phong thủy cho phòng bếp ngày nay phức tạp hơn rất nhiều.

Phòng bếp của các gia đình thành phố hiện nay có rất nhiều dụng cụ, máy móc nấu nướng rất đa dạng, phong phú như: bếp, nồi cơm điện, máy làm tuyết, máy hút mùi, vòi nước… Phương hướng và vị trí sắp xếp những đồ dùng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, do đó cần hết sức chú ý.

Câu 92: Vị trí phòng vệ sinh ở đâu là thích hợp?

Phòng vệ sinh cũng là một phần quan trọng trong nhà, khi thiết kế phải chú ý vì nó là nơi tập trung lượng nước trong nhà và đại diện sức khỏe của gia chủ. Trung tâm nhà là nơi quan trọng có thể ví như nội tạng của con người vậy.

Nhà vệ sinh làm ở chính giữa phòng thì trọng tâm bị ô nhiễm, làm trở ngại tầm nhìn, hơn nữa uế khí sẽ bay sang các phòng khác. Nếu sống trong nhà này sẽ dễ bị mắc bệnh tật. Hơn nữa phòng vệ sinh làm ở chính giữa nhà thì tất nhiên sẽ bị thiếu sáng, phòng vệ sinh là nơi nhiều nước, độ ẩm trong không khí cao, dễ sinh sôi vi khuẩn, đương nhiên là có hại cho sức khỏe.

Phòng vệ sinh nên ở vị trí khuất, không được đối diện cửa chính, cửa chính và cửa nhà vệ sinh cũng được đối diện nhau, không có lợi cho tài vận. Phòng vệ sinh không nên ở điểm cuối của hành lang trong nhà vì khí ẩm và uế khí sẽ dễ dàng theo đường hành lanh bay vào các phòng bên cạnh, rất không hợp vệ sinh.

Phòng vệ sinh nên làm ở hai bên hành lang, hơn nữa tốt nhất là trong phòng vệ sinh phải có cửa sổ. Cửa phòng vệ sinh và cửa nhà phòng bếp không được đối diện nhau, càng không được nhìn vào bàn sách. Phòng vệ sinh cũng không được làm ở vị trí Văn Xướng của phòng (Vị trí tốt nhất cho việc đọc sách).

Câu 93: Những kiểu phòng vệ sinh nào không hợp phong thủy?

Phòng vệ sinh là nơi loại trừ các chất thải, do đó nhất thiết không được thiết kế ở vị trí quan trọng trong nhà, càng không được bố trí trên điểm tài vị. Ví dụ như khu trung tâm nhà, hoặc phần sát với cửa chính… Từ các kiến trúc nhà cổ có thể thấy rằng, phòng vệ sinh thường được đặt ở vị trí phía sau, bên phải của nhà vì nhà ngày trước thường không có thiết kế tự động hút nước của phòng vệ sinh như ngày nay.

Phòng vệ sinh có phần chứa chất thải phải có khoảng cách nhất định với nhà để tránh mùi hôi. Thuật phong thủy có câu: “rồng sợ mùi hôi thối, hổ sợ tiếng ồn ào”. Hơn nữa bên trái là hướng cao quý, bên phải là hướng thấp kém.

Do đó, theo thuật phong thủy thì không nên làm phòng vệ sinh ở bên trái nhà mà nên làm ở bên phải. Những kiểu thiết kế nhà vệ sinh không hợp phong thủy:

– Nhà vệ sinh nằm ở trung tâm nhà: Trung tâm nhà là phần quan trọng nhất của cả ngôi nhà, tuyệt đối không được để phòng vệ sinh làm ô nhiễm. Lời khuyên: Nếu là nhà vệ sinh 2 gian hoặc 2 gian trở lên thì nên sửa thành nhà kho để bảo đảm sự khô ráo, sạch sẽ. Nếu không thể cải tạo thì có thể trồng cây hoàng kim cát và đặt thêm ít muối ăn trong phòng để tẩy mùi hôi.

– Bồn cầu đối diện cửa chính: Bất nhã và không đảm bảo tính riêng tư. Lời khuyên: Bắt buộc phải làm lại cửa phòng vệ sinh và hướng của bồn cầu. Nhất thiết không được đối diện với cửa chính.

– Cửa phòng vệ sinh hoặc cửa nhà tắm đối diện cửa chính: Bất nhã và không đảm bảo tính riêng tư. Lời khuyên: chuyển hướng cửa phòng vệ sinh và hướng bồn cầu.

– Phòng vệ sinh nằm ở vị trí chính hậu của ngôi nhà: Là vị trí tọa sơn, vị trí quan trọng nhất của nhà, không được để nhà vệ sinh làm ô nhiễm. Lời khuyên: Nếu là nhà vệ sinh gồm 2 gian hoặc 2 gian trở lên nên sửa thành nhà kho để giữ được sự sạch sẽ, khô thoáng. Nếu không thể sửa chữa thì trồng cây hoàng kim cát và đặt cạnh một chút muối ăn để tẩy uế khí.

– Nhà vệ sinh đối diện phòng ăn: Bất nhã, không đảm bảo tính riêng tư. Lời khuyên: làm lại hướng nhà vệ sinh để không đối diện phòng ăn.

– Bồn cầu nhìn trực tiếp ra cửa nhà vệ sinh: Bất nhã, không đảm bảo tính riêng tư. Lời khuyên: phải làm lại hướng bồn cầu.

– Nhà vệ sinh ngay sát cạnh cửa chính: Bất nhã, quý nhân không tới. Lời khuyên: nếu là nhà vệ sinh 2 gian thì sửa thành nhà kho. Nếu không thể sửa chữa thì phải có thêm rèm cửa mới thích hợp.

Câu 94: Tại sao không được thiết kế nhà vệ sinh ở chính giữa ngôi nhà?

Thuật phong thủy rất đề cao, coi trọng phương vị, nhất là ngũ hoàng vị ở trung tâm còn được gọi là vị trí Ngũ hoàng. Trong phong thủy thì đây là một điểm có nguồn năng lượng rất mạnh. Hàng năm có nhiều đền chùa vẫn tổ chức cúng bái Ngũ hoàng để cầu cho gia đình được no đủ, bình an.

Trên thực tế, năng lượng của điểm Ngũ hoàng là ở vị trí trung tâm của ngôi nhà. Do đó nhiều vị tổ sư của phong thủy đều khuyên rằng: ở điểm Ngũ hoàng nhất thiết không được bố trí vật gì tạo ra uế khí. Nếu không thì cuộc sống và sự nghiệp của người sống trong nhà đều không được như ý. Đây chính là nguyên nhân tại sao không được thiết kế nhà vệ sinh ở trung tâm của ngôi nhà.

Chương 9. Hỏi – đáp về phong thuỷ phòng ăn

Phong thuỷ phòng ăn là yếu tố thúc đẩy sự hoà hợp, thương yêu giữa các thành viên trong gia đình. Một phòng ăn có phong thuỷ tốt không chỉ kết nối tâm hồn gia đình mà còn có tác dụng chiêu tài. Ngoài ra nó còn giúp ích cho sự hoà thuận và có lợi cho sức khoẻ.

Câu 95: Nên trang trí tường phòng ăn như thế nào?

Tạo một không gian đẹp, có văn hóa là một tiêu chuẩn quan trọng trong thiết kế nhà. Trong các gia đình hiện đại ngày nay, phòng ăn đã trở thành nơi quan trọng trong sinh hoạt gia đình. Phòng ăn không chỉ là nơi cả gia đình tụ tập ăn uống mà còn là chỗ chiêu đãi khách khứa, bạn bè, vừa là chỗ trò chuyện, nghỉ ngơi của gia đình.

Do đó, khi tiến hành trang trí cho mặt tường của phòng phải nắm rõ được đặc điểm của các không gian kiến trúc của phòng, phải dựa vào đặc tính sử dụng không gian và vị trí các phần không gian mở. Sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật và các hình thức nghệ thuật để tạo ra một không gian hợp lý, đầy mỹ quan, tạo cảm giác thư thái, hợp yêu cầu người sử dụng. Trang trí mặt phòng ăn ngoài việc phải dựa theo nguyên tắc chỉnh thể thiết kế ra còn phải xem xét đến chức năng sử dụng và hiệu quả thẩm mỹ.

Thông thường trang trí phòng ăn làm sao để có không khí thư thái, sôi động hơn những nơi để nghỉ ngơi và học tập. Ngoài ra cũng cần chú ý đến việc tạo ra không gian ấm áp, hiền hòa thích hợp với tâm lý sum họp gia đình. Có rất nhiều cách để làm đẹp cho mặt tường phòng ăn. Nhưng nhất thiết phải căn cứ theo nhu cầu thực tế mà tiến hành thì mới có được kết quả như ý. Nếu phòng ăn có diện tích nhỏ thì có thể treo trên tường một tấm gương lớn để đánh lừa thị giác tạo một không gian lớn hơn.

Ngoài ra nên trang trí để tôn được phong cách, cá tính của bản thân. Điều này có liên quan đến việc lựa chọn chất liệu trang trí. Chọn chất liệu gỗ mộc với hoa văn trang trí tự nhiên để biểu lộ bạn là người mộc mạc. Tường màu đậm chứng tỏ phong cách điển nhã, sâu sắc, đậm chất phương Đông. Màu sắc phòng ăn có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý con người.

Do đó trang trí tường phòng ăn không được coi nhẹ tác dụng của màu sắc đối với tình cảm. Màu của tường là do sở thích và tính cách của mỗi người khác nhau mà tạo nên hiệu quả không giống nhau. Nhưng tóm lại màu tường nên lấy tông sáng, nhẹ nhàng làm chủ, các màu được yêu thích là màu cam và các màu tương đồng.

Những màu sắc này đều có tác dụng kích thích sự thèm ăn, làm tăng sự hứng thú đối với người ăn, thúc đẩy sự giao lưu giữa những người cùng ăn. Đương nhiên trong những trạng thái tâm lý khác nhau, thời gian, thời tiết khác nhau thì sự tác động của màu sắc cũng có sự khác biệt. Lúc này, nên lợi dụng hiệu quả màu sắc ánh đèn để điều tiết màu sắc trong phòng.

Câu 96: Phòng ăn ở vị trí nào thì thích hợp?

Phòng ăn nên năm ở vị trí trung tâm ngôi nhà nhưng không được đối diện trực tiếp với cửa chính hoặc cửa hậu. Ngoài ra cũng có vài trường hợp cần tránh. Ví dụ: nếu là nhà có nhiều tầng thì phòng ăn nên ở tầng trên. Cửa sổ phòng ăn không nên đối diện nhau vì khí vào ở cửa sổ này lại ra ở cửa sổ kia không thể tụ khí do đó không tốt cho khí vận của ngôi nhà.

Không được tận dụng không gian ở gần nhà vệ sinh để làm phòng ăn. Nếu không thể tránh được thì nhất phải để bàn ăn tránh càng xa nhà vệ sinh càng tốt.

Câu 97: Những điều kỵ và hợp trong phương hướng phòng ăn?

Phòng bếp và phòng ăn nên thiết kế gần nhau, tránh cách nhau quá xa. Từ phòng bếp bước ra là phòng ăn thì tốt nhất. Thông thường, phòng ăn không thích hợp nằm trong gian bếp vì mùi dầu mỡ và khí nóng sẽ ảnh hưởng đến việc dùng bữa. Có những vị trí cát lành để thiết kế phòng ăn: phía Đông, Đông Nam, Nam và Bắc của ngôi nhà.

Vị trí của phòng ăn muốn cho phù hợp thì phải căn cứ trên tình hình cụ thể để chọn lựa. Nằm ở phía Nam của nhà: ở vị trí này ánh sáng mặt trời đầy đủ. Hơn nữa phía Nam thuộc hành Hỏa, sẽ làm cho gia đạo ngày càng hưng vượng. Tủ lạnh hay được để trong gian bếp nhưng cũng có lúc được đặt trong phòng ăn.

Nếu kê tủ lạnh ở phòng ăn thì tốt nhất nên kê ở hướng Bắc, không nên kê ở hướng Nam vì có thể nạp hàn khí của phương Bắc, hơn nữa lại tránh được thủy hỏa bất dung không có lợi cho gia đình. Hướng Đông, Đông Nam thuộc hành Mộc. Mặt trời mọc ở hướng Đông, hướng này chất chứa nhiều năng lượng, sinh cơ rất tốt cho việc dùng bữa buổi sáng.

Vào tiết xuân thì phòng ăn nên theo hướng Đông. Vào mùa hạ thì theo hướng Bắc sẽ rất tốt. ở khu vực ăn uống điều quan trọng đầu tiên là giữ được vệ sinh cho thực phẩm, đồng thời tạo được không khí thoải mái khi ăn mới có lợi cho tiêu hóa.

Bố trí phòng ăn phải giản tiết điển nhã, nhất thiết không được có quá nhiều đồ đạc, nếu không sẽ tạo cảm giác bừa bộn, lộn xộn. Gia chủ ngoài việc bố trí sắp xếp đồ đạc trong phòng ăn còn phải lưu ý đảm bảo cho khí được lưu thông và giữ phòng được sạch sẽ, gọn gàng.

Câu 98: Cần chú ý những gì khi lựa chọn bàn ăn?

Trong phòng ăn thì đồ vật quan trọng nhất chính là bàn ăn. Bàn ăn ngày xưa và nay có sự khác nhau rất lớn. Ngày trước đại đa số đều là bàn đơn, một người ăn nên kích thước nhỏ, nhẹ, rất thuận tiện. Bàn ăn ngày nay có kích thước lớn, trọng lượng nặng là nơi cả nhà tập trung ăn uống. Do đó phong thủy của bàn ăn đối với sự đoàn viên trong gia đình, sự hòa hợp vợ chồng có ảnh hưởng rất lớn.

Có nhiều điều cần chú ý về phong thủy của bàn ăn như sau: Nên chọn loại bàn ăn tròn hoặc vuông. Quan niệm về vũ trụ của người Trung Quốc là “trời tròn đất vuông”. Do đó những đồ vật thường sử dụng hàng ngày hay có hình tròn hoặc vuông. Bàn ăn truyền thống có hình dáng như trăng tròn giữa tháng, tượng trưng cho sự đoàn viên thuận hòa, yêu thương giữa những người trong nhà.

Hơn nữa lại tụ được nhân khí. Nên kỹ lưỡng trong việc lựa chọn chất liệu bàn ăn. Nguyên tắc khi chọn chất liệu mặt bàn ăn là phải dễ dàng lau rửa. Bàn ăn bằng chất liệu đá hoa cương hay kính thì cứng và lạnh, có độ thẩm mỹ nhưng lại không thuận lợi cho việc giao lưu, chuyện trò giữa những người cùng ăn với nhau.

Mặc dù vậy, có thể điều tiết giữa hình dáng và chất liệu bàn để mang lại hiệu ứng tốt. Ví dụ: bàn đá hoa cương nên có hình tròn, bàn gỗ nên có hình vuông. – Bàn ăn kỵ có góc sắc Góc bàn ăn càng nhỏ thì càng nhọn, sắc, độ sát thương càng lớn. Đó là điều kỵ. Đối với những bàn ăn có hình dạng sóng biển mặc dù không theo các dạng bàn truyền thống nhưng nó không có góc nhọn do đó cũng có thể được lựa chọn.

Tóm lại hình dáng bàn ăn thích hợp nhất là bàn tròn hoặc bàn vuông. – Không gian phía trên bàn ăn phải bằng phẳng Trần nhà phía trên bàn ăn phải bằng phẳng. Nếu bàn ăn bị xà nhà phía trên trấn áp thì nên chuyển bàn ăn ra nơi khác. Nếu bố trí bàn ăn ở phía dưới cầu thang thì nên đặt 2 chậu trúc khai vận ở chân cầu thang để hóa giải.

Nhưng cần chú ý chăm sóc cây, giữ cho cây được sinh trưởng tươi tốt nếu không thì hóa giải sẽ không có hiệu quả.

– Bàn ăn không được bị cửa chính chiếu vào Nếu bàn ăn và cửa chính cùng nằm trên một đường thẳng, đứng ở ngoài cửa cũng có thể nhìn thấy cả nhà đang ăn cơm như vậy rất không hợp lý. Để hóa giải, tốt nhất là dời bàn ăn ra chỗ khác. Nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng thì nên có một tấm bình phong để ngăn cách.

– Bàn ăn kị đối diện cửa nhà vệ sinh Nhà vệ sinh được coi là nơi không sạch sẽ, ở chỗ càng khuất càng tốt. Nếu nó đối diện với bàn ăn thì nó ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả gia đình. Như vậy cách tốt nhất là kê bàn ăn ra xa nơi khác. Nếu không thể làm như vậy thì trồng cây tô thiết hoặc trúc khai vận ở giữa.

– Bàn ăn không nên quá to Có một số người thích vẻ hào nhoáng nên cố tình chọn những chiếc bàn ăn to lớn. Nhưng quan trọng là phải lưu ý đến tỉ lệ to nhỏ giữa bàn ăn và phòng ăn. Nếu diện tích phòng không được rộng rãi mà vẫn kê vào một cái bàn lớn thì hình thành phòng nhỏ bàn to, không những đi lại bất tiện mà còn làm trở ngại phong thủy của phòng. ở trường hợp này biện pháp đơn giản nhất là đổi lấy một chiếc bàn nhỏ hơn để tạo ra một tỷ lệ phù hợp cho căn phòng.

Câu 99: Những thư trang trí nào phù hợp với phong thủy của phòng ăn?

Trong phòng ăn rất thích hợp bày tam tiên Phúc Lộc Thọ tượng trưng cho tài phúc, sức khỏe và trường thọ. Ngoài ra những bức tranh vẽ đồ ăn và hoa quả cũng mang lại vận may. Cây quất thì tượng trưng cho phú quý, cây đào tượng trưng cho sự trường thọ và sức khỏe.

Cây thạch lựu tượng trưng cho con đàn cháu đống. Bên cạnh đó còn có thể cắm hoa hồng vàng và những cây có màu vàng làm chủ đạo để tăng cảm giác thèm ăn, mang lại sức khỏe cho cơ thể.

Câu 100: Những điểm cần chú ý khi bố trí tủ rượu trong phòng ăn?

Đối với một vài gia đình, tủ rượu là một phần không thể thiếu được trong phòng ăn. Tủ rượu với những loại rượu đẹp khác nhau có thể làm tăng sự sang trọng của căn phòng. Tủ rượu thường cao và dài. Theo thuật phong thủy, tủ rượu tượng trưng cho hình tượng núi. Bàn ăn thấp và phẳng tượng trưng cho nước.

Phòng ăn có sơn có thủy, phối hợp nhịp nhàng, như vậy mới có lợi cho trạch vận. Khi bố trí tủ rượu cần lưu ý: Tủ rượu đa số là cao và trong suốt, nó tượng trưng cho núi. Kê tủ rượu ở vị trí cát lành của bản mệnh sẽ phù hợp vì vị trí này thích hợp với vật vừa cao vừa to.

Gia chủ là người Đông Tứ mệnh, tủ rượu thích hợp kê ở chính Đông, Đông Nam, chính Nam và chính Bắc của phòng ăn. Đây gọi là Đông tứ phương. Gia chủ là người Tây Tứ mệnh thích hợp kê ở phía Tây Nam, chính Tây, Tây Bắc và Đông Bắc. Đây gọi là Tây tứ phương.

Tấm gương trong tủ rượu không được quá lớn. Thông thường gương được làm mặt lưng của tủ. Nó sẽ làm cho vẻ đẹp của tủ và những chai rượu trong sáng hơn. Nhưng nếu tấm gương này quá to thì theo thuật phong thủy, nó sẽ mang lại điều không thuận lợi. Tủ rượu không thích hợp kê cạnh bể cá: Tủ rượu là đồ vật có thủy khí mạnh mà bể cá cũng là thủy, bản chất của 2 vật này giống nhau nên không tốt cho sức khỏe người trong nhà.

Trên đây là toàn bộ 100 câu hỏi thường gặp trong lĩnh vực phong thủy nhà ở hiện đại. Hy vọng qua bài viết này phần nào mang lại sự tham khảo của các bạn đam mê về phong thủy, tử vitâm linh.

Cám ơn sự theo dõi của các bạn. Chúc các bạn an nhiên và hoan hỉ!

Qua bài viết: 100 Câu Hỏi Hay Về Phong Thủy [Học phong thủy nhanh nhất] nếu vẫn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ trợ. Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:

Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết! Vui lòng chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin ở trên sẽ hữu ích với nhiều người.

Chúc bạn buổi chiều tốt lành!

Bài viết liên quan

Xem hướng nhà Xem tuổi làm nhà Xem tuổi vợ chồng Sinh con hợp tuổi Xem bói theo ngày sinh Giải mã giấc mơ điềm báo Xem Sao chiếu mệnh Xem ngày tốt xấu