Cửu cung phi tinh vận Sơn hướng bàn thì chắc không còn xa lạ với những người nghiên cứu về Huyền không phi tinh. Nhưng cách tính Cửu cung phi tinh theo năm (niên bàn), tháng (Nguyệt bàn), ngày (Nhật bàn) thì chắc hẳn có nhiều người chưa biết.
Cũng dễ hiểu, bởi vì xem phong thủy cho một vận (20 năm) đã khó, nữa là xem cho một năm, một tháng, một ngày… Chính vì vậy mà có lẽ nhiều người không muốn nghiên cứu về cách lập tinh bàn Cửu cung phi tinh theo năm, tháng, ngày,…
Tuy nhiên chắc vẫn còn một số ít người muốn tìm hiểu sâu hơn về Huyền không phi tinh và muốn biết cách tính Cửu cung phi tinh theo năm, tháng, ngày… Chúng ta cùng tham khảo cách tính Cửu cung phi tinh theo năm, tháng, ngày… dưới đây nhé.
Cách tính Cửu cung phi tinh theo năm (niên bàn)
KHỞI NIÊN BẠCH QUYẾT (Khẩu quyết khởi phi tinh theo năm)
- Niên bạch Tam Nguyên, các bất đồng
- Thượng Nguyên Giáp Tý khởi Khảm cung.
- Trung Nguyên Tứ Lục, cung trung khởi
- Hạ Nguyên Thất Xích nghịch hành cung.
Nghĩa là:
Khởi phi tinh theo năm ở mỗi vận sẽ khác nhau dựa theo nguyên tắc của Tam nguyên Cửu vận và lường thiên xích như sau:
- Thượng Nguyên năm Giáp Tý thì khởi Nhất Bạch ở Trung cung rồi phi thuận theo đường Lường Thiên Xích.
- Trung Nguyên năm Giáp Tý thì khởi Tứ Lục ở Trung cung rồi phi thuận theo đường Lường Thiên Xích.
- Hạ Nguyên năm Giáp Tý thì khởi Thất Xích ở Trung cung rồi phi thuận theo đường Lường Thiên Xích.
Lưu ý: Mỗi một Giáp Tý thì Cửu tinh đều đi nghịch theo năm, nhưng khi nhập trung cung rồi thì lại phi thuận theo Lường Thiên Xích.
Ví dụ:
Hạ Nguyên năm Giáp Tý thì khởi Thất Xích ở Trung cung thì năm Ất Sửu sẽ khởi Lục Bạch ở Trung cung, đến năm Bính Dần sẽ là Tứ Lục ở Trung cung … cứ theo thứ tự giảm dần (đi nghịch) mà tính tiếp.
Cách dễ nhớ nhất là tính ngược theo năm
Ví dụ:
- Thượng Nguyên
- Giáp Tý là Nhất, thì Giáp Tuất là Cửu, Giáp Thân là Bát, Giáp Ngọ là Thất, Giáp Thìn là Lục, Giáp Dần là Ngũ.
- Trung Nguyên
- Giáp Tý là Tứ, Giáp Tuất là Tam, Giáp Thân là Nhị, Giáp Ngọ là Nhất, Giáp Thìn là Cửu, Giáp Dần là Bát.
- Hạ Nguyên
- Giáp Tý là Thất, Giáp Tuất là Lục, Giáp Thân là Ngũ, Giáp Ngọ là Tứ, Giáp Thìn là Tam, Giáp Dần là Nhị.
Nếu để ý kỹ hơn quý vị và các bạn sẽ thấy, tất cả tạo thành một vòng khép kín, từ Thượng Nguyên đến Trung Nguyên rồi Hạ Nguyên, tuy khởi cung khác nhau nhưng khí vận xoay vần tuần tự nối tiếp nhau không chút sai lệch.
Ví dụ 2: Tính Cửu cung phi tinh cho năm 2020.
Theo nguyên tắc ở trên ta sẽ tính cho năm 2020 (Canh Tý) như sau:
2020 (Canh Tý) thuộc hạ nguyên. Mà Giáp Tý 1984 (Hạ nguyên) thì khởi 7 (Thất Xích) tại Trung Cung, đến năm 2020 là 36 năm. Lấy (36+1)/10 = 3 dư 7. Lấy 7-7=0.
Do phi tinh giảm dần (đi nghịch) Vậy năm 2020 là: 7-0=7. ta lấy 7 nhập trung cung ta được bảng Cửu cung phi tinh 2020 như sau:
Ví dụ 3: Tính Cửu cung phi tinh cho năm 2021
2021 (Tân Sửu) thuộc hạ nguyên. Mà Giáp Tý 1984 (Hạ nguyên) thì khởi 7 (Thất Xích) tại Trung Cung, đến năm 2021 là 37 năm. Lấy (37+1)/10 = 3 dư 8. Lấy 8-7 = 1.
Do phi tinh giảm dần (đi nghịch). Vì vậy năm 2020 là: 7-1=6. ta lấy 6 nhập trung cung ta được bảng Cửu cung phi tinh 2021 như sau:
Ví dụ 4: Cửu cung phi tinh cho năm 2022
Xem thêm: Cửu cung phi tinh 2022: Hóa giải, kích tài lộc và kiêng kỵ cần lưu ý
Cách tính cửu cung phi tinh theo tháng (nguyệt bàn)
NGUYỆT BẠCH KHỞI CHÍNH NGUYỆT TINH QUYẾT
Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu Bát Bạch cung
Thìn, Tuất, Sửu, Mùi Ngũ Hoàng trung
Dần, Thân, Tị, Hợi cư hà vị
Nghịch tầm Nhị Hắc thị kỳ trung.
Nghĩa là: Năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu thì tháng giêng khởi Bát Bạch.
Năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì khởi Ngũ Hoàng. Năm Dần, Thân, Tị, Hợi thì khởi Nhị Hắc.
Tất cả phi tinh đều là nghịch hành theo các tháng, nhưng khi phi tinh nhập trung cung thì lại phi thuận theo Lường thiên xích.
Như năm nay là năm Sửu thì:
Tháng giêng là Ngũ Hoàng, tháng hai là Tứ Lục, tháng ba là Tam Bích, tháng tư là Nhị Hắc…
Ví dụ tính nguyệt vận cho tháng giêng:
Cho Ngũ Hoàng (5) nhập trung cung, thì (6) Lục đến Càn, (7) Thất đến Đoài, (8) Bát đến Cấn… Tháng 8 là Thất Xích nhập trung cung, thì Bát Bạch đến Càn, Cửu Tử đến Đoài, Nhất Bạch đến Cấn… Các năm khác khởi tháng cũng y theo thế mà suy.
Lưu ý: Cái Cát, Hung của năm thì còn chậm, chứ cái Cát, Hung của tháng thì tới mau lắm.
Cách tính cửu cung phi tinh theo ngày (nhật bàn)
TAM NGUYÊN NHẬT BẠCH QUYẾT
Đông Chí Nhất Bạch, Vũ Thuỷ Xích
Cốc Vũ nguyên tòng Tứ Lục cầu
Hạ Chí Cửu Tử, Xử Thử Bích
Sương Giáng tiên tòng Lục Bạch du
Dương tu thuận khứ, Âm hoàn nghịch
Đãn cầu Lục Giáp vĩnh vô hưu
Nhược phùng Tử, Bạch phương vi Cát
Hoạt pháp tu dương, tử tế sưu.
Nghĩa là:
- Những ngày bắt đầu từ sau tiết Đông Chí thì lấy Giáp Tý khởi Nhất Bạch.
Những ngày từ sau tiết Vũ Thuỷ thì lấy Giáp Tý khởi Thất Xích.
Những ngày sau tiết Cốc Vũ thì lấy Giáp Tý khởi Tứ Lục.
Những ngày sau tiết Hạ Chí thì lấy Cửu Tử cho ngày Giáp Tý.
Những ngày sau tiết Xử Thử thỉ lấy Giáp Tý khởi Tam Bích.
Những ngày sau tiết Sương Giáng thì lấy Giáp Tý khởi Lục Bạch.
Trong đó:
Các tiết Đông Chí, Vũ Thuỷ, Cốc Vũ là thuộc Dương, phi tinh đi thuận ngày, và khi phi tinh nhập trung cung thì phi thuận theo Lường thiên xích.
Các tiết Hạ Chí, Xử Thử, Sương Giáng thuộc Âm, phi tinh đi nghịch ngày và khi phi tinh nhập trung cung thì phi thuận theo Lường thiên xích.
Tìm đúng Lục Giáp thì lâu dài phát phước.
Lưu ý: Đừng lầm tưởng cứ ngày Giáp Tý sau Đông Chí đều là Nhất Bạch. Mà là khởi ngày Giáp Tý là Nhất Bạch. Nếu như ngày giao tiết Đông Chí đó mà ngay ngày Giáp Tý thì không có gì để bàn cãi, NHƯNG nếu như đó không phải ngày Giáp Tý thì tính cách nào?
Ví dụ: Ngày giao tiết Đông Chí là ngày Canh Dần. Ta cứ khởi Giáp Tý là Nhất Bạch, do từ Đông Chí đến Hạ Chí là Dương khí thịnh, nên thuộc Dương, đi thuận.
Giáp Tý là Nhất, Ất Sửu là Nhị, Bính Dần là Tam, Định Mẹo là Tứ…Giáp Tuất là Nhị…Giáp Thân là Tam, Ất Dậu là Tứ, Bính Tuất là Ngũ, Đinh Hợi là Lục, Mậu Tý là Thất, Kỷ Sửu là Bát, Canh Dần là Cửu.
Vậy ngày giao tiết Đông Chí, ngày Canh Dần đó là sao Cửu Tử. Muốn động cung nơi nào thì đem Cửu Tử nhập trung, thuận phi đi.
Các tiết khí kia cũng y theo vậy mà tính.
Cách tính cửu cung phi tinh theo giờ (thời bàn)
TAM NGUYÊN THỜI BẠCH QUYẾT
Tam Nguyên thời bạch, nhật tương đồng
Dương thuận, Âm nghịch nhập trung cung
Đông Chí Nhất, Tứ, Thất dương kỳ
Hạ Chí Cửu, Lục, Tam thị tông.
Nghĩa là: Sau tiết Đông Chí đến trước Hạ chí thì cho (1) Nhất Bạch, hoặc (4) Tứ Lục hoặc (7) Thất Xích nhập trung cung. Và sau Tiết Hạ Chí đến trước Đông chí thì cho (9) Cửu Tử, (6) Lục Bạch hoặc (3) Tam Bích nhập trung cung.
- Các tiết Đông Chí, Vũ Thuỷ, Cốc Vũ là thuộc Dương, phi tinh đi thuận, và khi phi tinh nhập trung cung thì phi thuận theo Lường thiên xích.
- Các tiết Hạ Chí, Xử Thử, Sương Giáng thuộc Âm, phi tinh đi nghịch và khi phi tinh nhập trung cung thì phi thuận theo Lường thiên xích.
Vậy khi lập thời bàn thì sau tiết Đông Chí khi nào dùng (1) Nhất, khi nào dùng (4) Tứ và khi nào dùng (7) Thất. Sau tiết Hạ chí khi nào dùng (9) Cửu Tử, (6) Lục Bạch hoặc (3) Tam Bích để nhập trung cung?
Cái này là phân theo nhóm ngày Mạnh, Trọng, Quý như sau:
- Các ngày Tý Ngọ Mão Dậu là nhóm thứ nhất, tương ứng với sao thứ nhất (Đông Chí cho (1) và Hạ Chí cho (9) nhập trung cung.
- Thìn Tuất Sửu Mùi là nhóm thứ hai, tương ứng với sao thứ hai (Đông Chí cho (4) và Hạ Chí cho (6) nhập trung cung.
- Dần Thân Tị Hợi là nhóm thứ ba, tương ứng với sao thứ ba (Đông Chí cho (7) và Hạ Chí cho (3) nhập trung cung.
Lưu ý: Khởi phi tinh theo giờ cũng giống như khởi phi tinh theo ngày, Dương thì đi thuận, Âm thì đi nghịch và khi cho phi tinh nhập trung cung thì đều phi thuận theo Lường Thiên xích.
Ví dụ 1: Giờ Thìn của Ngày Thân sau tiết Đông Chí, nhưng chưa đến Hạ Chí.
Ta thấy ngày Thân trong nhóm thứ ba, vậy ta cho sao thứ ba trong tiết Đông Chí là (7) Thất nhập trung cung.
Cứ như vậy giờ Tý của ngày đó sẽ khởi là sao Thất Xích, giờ Sửu là sao Bát Bạch, giờ Dần là sao Cửu Tử…. Giờ Thìn là sao Nhị hắc.
Thời bàn theo giờ Thìn. Ta cho sao Nhị Hắc nhập trung, thì Tam Bích đến Càn, Tứ Lục đến Đoài, Ngũ Hoàng đấn Cấn…
Ví dụ 2: Giờ Ngọ ngày Mùi sau tiết Hạ Chí, trước tiết Đông Chí.
Ta thấy Mùi trong nhóm thứ hai Thìn Tuất Sửu Mùi, nên tương ứng với sao thứ hai của tiết Hạ Chí, đó là sao Lục Bạch.
Vậy giờ Tý ngày hôm đó là sao Lục Bạch, giờ Sửu là Ngũ Hoàng (lưu ý: đây là Âm nên đi nghịch), giờ Dần là Tứ Lục, giờ Mẹo là Tam Bích, giờ Thìn là Nhị Hắc, giờ Tị là Nhất Bạch, giờ Ngọ là Cửu Tử.
Ta lấy giờ Ngọ Cửu tử nhập trung, THUẬN PHI, đi 8 phương thì Nhất Bạch đến Càn, Nhị Hắc đến Đoài, Tam Bích đến Cấn…
Còn một cách nữa là ta nhớ theo Thiên, Địa, Nhân Tam Nguyên Long của Huyền Không. “Thiên Nhất Cửu, Địa Tứ Lục, Nhân Thất Tam” như sau:
- Cứ ngày thuộc Thiên thì tiết Đông Chí lấy Nhất Bạch, tiết Hạ Chí lấy Cửu Tử.
Ngày thuộc Địa thì tiết Đông Chí lấy Tứ Lục, tiết Hạ Chí lấy Lục Bạch. - Ngày thuộc Nhân thì tiết Đông Chí lấy Thất Xích, tiết Hạ Chí lấy Tam Bích.
Ta lại để ý, thứ tự các sao như sau:
- Trong tiết Đông Chí là Nhất, đến Tứ, đến Thất là các số thuộc nhóm 1-4-7 y như Tam Ban Quái, lớn dần lên theo chiều thuận.
- Trong tiết Hạ Chí là Cửu, Lục, Tam là các số thuộc nhóm 3-6-9 y như Tam ban Quái nhưng nhỏ dần theo chiều nghịch đi xuống.
Ta cứ lấy ba Địa Chi đầu tiên làm chuẩn mà tính sẽ dễ và rất nhanh:
- Ngày Tý cứ đọc Nhất Cửu, còn thuộc Đông Chí thì lấy số trên, Hạ Chí lấy số dưới.
- Ngày Sửu thì cứ đọc Tứ Lục, thuộc Đông Chí lấy số trên, thuộc Hạ Chí thì lấy số dưới.
- Ngày Dần thì đọc Thất Tam, thuộc Đông Chí thì lấy số trên, thuộc Hạ Chí thì lấy số dưới.
Trên đây cả, năm, tháng, ngày, giờ chỉ có gặp các sao Tử, Bạch Sinh khí thì mới là Đại lợi.
Tu tạo ở ba phương Bạch thì không kỵ Thái Tuế, Tướng Quân, Quan Phù, Đại Hao, Tiểu Hao, hành niên bản mệnh được mọi điều Cát.
Chỉ có Thiên Cương Tứ Vượng, Sát Đại Nguyệt Kiến thì chẳng nên phạm.
Xem động thổ theo phong thủy huyền không
Tu tạo, khởi công làm thì Đại Kỵ kiến (động) phương của bản cục.
Nghĩa là: Khảm cục thì lấy Nhất Bạch làm Kiến, nếu Nhất Bạch đáo phương Khảm thì không nên làm. Lại kỵ Sát tinh của bản cục ở đấy.
Cụ thể là: Khảm cục kỵ Nhị Hắc và Bát Bạch gia đáo bản cung Khảm.
Phạm Kiến thì thương Trạch Trưởng, phạm Sát thì chiêu hoành hoạ (tai hoạ đến bất kỳ). Lại Tam Bạch là Cát tinh đến đấy, dầu khắc bản phương vẫn lấy là Tiểu Cát, còn Ngũ tinh khác thì chỉ lấy sinh bản phương mới làm Cát, nếu không phải là Sinh thì đều là Hung.
Tổng luận
NIÊN, NGUYỆT BẠCH QUYẾT
Bát Quái sơn đầu số yếu tinh.
Chiêu nhiên dị kiến, lý nghi minh
Ai niên, toán nguyệt, bình tai hoạ.
Huyền huyền thấu lý, quỷ thần kinh.
Nghĩa là:
Cái độ số của tám phương thuộc về Tam Nguyên phi đến bản cục cốt phải tinh tường, rõ rệt dễ thấy, lý luận phân minh. Phải tính tháng và năm của Nguyên Vận tinh phi đến. Tuy huyền bí cao siêu, nhưng Lý Khí mà thấu được thì quỷ thần cũng kinh sợ.
Những cái Sát khí gia thuỷ cục tất thị phát hung, như là Nhị Hắc gia Khảm cục vậy. Sinh Khí gia Mộc cục tất phát phước, như là Nhất Bạch gia Tứ Tốn vậy. Trước lấy Chủ Vận của Tam Nguyên gia đấy, thì sau định hai mươi năm Cát, Hung. Rồi lại theo năm và tháng , lấy quản trị tinh gia vào đấy, thì cái hạn Cát, Hung có thể quyết đoán được.
Lại Tam Nguyên độ số đến bản cục, làm Ám Kiến, đối cung làm Ám Phá. Như Thượng Nguyên Giáp Tý, thì năm Bính Dần đáo Cấn, thì Cấn cục làm Ám Kiến, Khôn cục làm Ám Phá. Nguyên là Cát Địa, Mỹ Huyệt thì lay động Bản Long, vậy mọi sự được Cát Tường. Nếu là đất Hung, Huyệt sai lầm thì mọi sự Đại Hung.
Những Can Chi của Thái Tuế ở bản vị làm Minh Kiến, đối cung làm Minh Phá. Như năm Giáp Tý, Giáp ở cung Chấn làm Can Minh Kiến, Tý ở Khảm cung làm Chi MInh Kiến. Vậy thì Đoài làm Can Minh Phá, Ly làm Chi Minh Phá. Năm Mậu, Kỷ thì Can Kiến Phá đều ở Trung cung. Phạm vào Can Kiến, Phá thì hoạ, phước giảm một nửa. Phạm vào Chi Kiến, Ph1 thì Đại Hung, không nên phạm.
CỬU TINH KHẮC ỨNG QUYẾT
Nhất Bạch tinh bản thuộc Thuỷ
Chấn, Tốn tu tạo mỹ
Khan khan Thất, Bát, Cửu nguyệt lai
Giao tiến Nam phương ngoại khí tài.
Nhị Hắc tinh bản thuộc Thổ
Kiền, Đoài phùng chi tu tạo mỹ
Thả đãi Nhị, Bát nguyệt giao lai
Tiến nhập Đông, Bắc, Tây phương tài
Tam Bích tinh bản thuộc Mộc
Dư cung mạc tạo Tác
Giáo quân Nam phương dụng trước thời
Tây phương hoá vật lục tuần chí (Tứ Lục tinh đồng).
Ngũ Hoàng tinh trung Thổ tôn
Tây Bắc chính tương thân
Thử tinh d6ãn khả tu Kiền, Đoài
Thất, Bát, Cửu nguyệt ngoại tài lâm (Bát Bạch cánh Cát).
Lục Bạch tinh nguyên thuộc Kim
Khảm sơn dụng chi phước dĩ thâm
Đãn giao Tứ, Lục, Thất, Bát nguyệt
Đông Nam hỷ chí, lạc hân hân (Thất Xích tinh đồng).
Cửu Tử bản thuộc Hoả
Khôn, Cấn nhị phương tu tạo khả
Trực đãi Dần, Tị, Ngọ nguyệt niên
Bắc phương tài sản lai, phi toả.
Nghĩa là:
Sao Nhất Bạch vốn thuộc Thuỷ, về phương Chấn và phương Tốn tu tạo (đặt táng hay làm nhà) thì tốt đẹp. Xem thấy tháng 7, tháng 8, tháng 9 liền lại, thì có ngoại tài ở phương Nam tiến tới.
Sao Nhị Hắc vốn thuộc Thổ, về phương Đoài và phương Kiền, gặp được lúc tu tạo thì tốt, và đợi đến tháng 2 và tháng 8 khí giao lai, thì có của ở phương Đông Bắc và phương Tây tiến đến.
Sao Tam Bích vốn thuộc Mộc, các cung khác không nên tạo tác. Chỉ có phương Nam mà dụng làm thì có của cải ở phương Tây đưa đến, chỉ 60 ngày là đưa đến => Mau phát.
Sao Tứ Lục cũng như sao Tam Bích.
Sao Ngũ Hoàng thuộc Thổ, là sao tôn trọng ở Trung cung, phương Tây Bắc chính là tương thân. Sao này chỉ nên tu tạo ở hai phương Kiền và Đoài, các tháng 7, 8, 9 thì có ngoại tài đến (sao Bát Bạch gặp cũng tốt lành).
Sao Lục Bạch nguyên thuộc Kim, phương Khảm mà gặp được, tạo tác thì phước càng lâu bền, to dầy. Nhưng đợi tháng 4, 6, 7 giao khí đến, thì có vui mừng ở phương Đông Nam đến.
Sao Thất Xích cũng như sao Lục Bạch
Sao Cửu Tử vốn thuộc Hoả, gặp hai phương Khôn và Cấn thì nên tu tạo. Đợi đến tháng hoặc năm Dần, Tị, Ngọ thì tốt, sẽ có tài sản ở phương Bắc đem đến, chẳng phải khoá cửa.
THÁI TUẾ SƠN ĐẦU BẠCH TINH QUYẾT
Tý niên Nhất Bạch nhập Trung cung.
Ngọ tái tương phùng Cửu Tử đồng.
Mẹo tuế Trung cung Tam Bích hội.
Dậu niên Thất Xích thị tinh tông.
Mùi, Thân nhị niên câu Nhị Hắc
Thìn, Tị hồi lai Tứ Lục trung.
Tuất, Hợi Trung cung khởi Lục Bạch.
Sửu, Dần Bát Bạch chính tương phùng.
Bạch đáo sơn đầu nghi tác dụng
Âm phần, lập Trạch, tử tôn vinh.
Bạch trung hữu sát nghi hồi tị.
Phạm giả tu giao lập kiến hung.
Nghĩa là:
- Năm Tý thì sao Nhất Bạch nhập Trung.
- Năm Ngọ thì sao Cửu Tử nhập Trung.
- Năm Mẹo thì sao Tam Bích nhập Trung.
- Năm Dậu thì sao Thất Xích nhập Trung.
- Năm Mùi và năm Thân thì lấy sao Nhị Hắc nhập Trung.
- Năm Thìn và năm Tị thì lấy sao Tứ Lục nhập Trung.
- Năm Tuất và năm Hợi thì khởi sao Lục Bạch nhập trung.
- Năm Sửu và năm Dần thì sao Bát Bạch nhập Trung.
Những sao Bạch đến cung Tọa, Hướng thì nên làm nhà, hay làm mộ phần thì con cháu được hiển vinh. Ở trong phương mà sao Bạch phi đến lại bị Sát thì nên tránh đi không dùng, nếu phạm vào thì lập tức thấy ngay cái Hung.
Trên đây là 12 năm, năm nào lấy sao gì nhập Trung cung để phi ra Bát phương. Tìm 3 sao Bạch đến phương nào thì phương ấy tốt, nên tu tạo. Nhưng bị Sơn sát thì tránh không nên làm.
Ví dụ như năm Tý, ta lấy Nhất Bạch nhập Trung cung, thì Tứ Lục đến Cấn, là Mộc khắc Thổ, nếu làm tại Cấn Sơn, Phương (Động Thổ, Tu Tạo) thì 4 người bị thương. Phạm Nhất Bạch sát thì bị thương 1 người, phạm sao Nhị Hắc sát thì bị thương 2 người… Lấy số của sao mà suy đoán.
Cốt là biết ứng vào thời điểm nào. Như sao Tứ Lục thì có thể là 40 ngày, là 4 tháng; xa thì lấy năm Thìn, năm Tị hoặc năm tương xung là năm Tuất, năm Hợi sẽ ứng…
Cần biết là người nào bị tổn thương, thì lấy Địa Chi ở phương phạm ấy, ứng vào đó. Như Cấn phương là Sửu, Dần thì ứng vào người tuổi Sửu, tuổi Dần…
Phép đoán tháng cũng giống như năm. Như năm Dần lấy Bát Bạch nhập Trung. Bạch trung sát giả, là Ám Kiến Sát, Lục Tiệp Sát, Xuyên Tâm Sát, Đấu Ngưu Sát, Giao Kiếm Sát, Thụ Khắc Sát, những phương phạm Sát đều chẳng nên phạm.
Xem thêm: Huyền không phi tinh toàn tập
Qua bài viết: Cách tính Cửu cung phi tinh theo năm, tháng, ngày, giờ nếu vẫn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ trợ. Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:
Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết. Vui lòng chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin ở trên sẽ hữu ích với nhiều người!
Chúc bạn ngủ ngon!