Sân si là gì? Luận Tham Sân Si theo quan điểm của phật giáo

Thích Quang Đức
330

Đôi khi trong cuộc sống chúng ta được nghe câu “Sân Si quá”. Vậy Sân si là gì? theo quan điểm phật giáo thì SÂN là sân hận, SI và ngu si. Để hiểu rõ hơn về Sân Si là gì chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Sân si là gì?

Từ Sân Si khá phổ trong cuộc sống, nhưng để hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của Sân Si thì ta phải biết từ “Sân Si” này có nguồn gốc ở “THAM SÂN SI” trong phật học còn gọi là tam độc, trong đó:

  • THAM là tham lam (tiếng Phạn: Lobha) hiểu theo nghĩa rộng là tham lam với vật chất, tiền tài, tham lam sắc dục, danh vọng… Cho đến hết thảy những thứ của người đều mong gom hết về mình, càng nhiều càng hiềm rằng ít.
  • SÂN là sân hận, từ đó hiểu theo nghĩa rộng hơn thì SÂN là trạng thái phiền muộn, căm ghét, ganh tỵ, không vừa ý. Bất luận chính mình đúng hay sai, nếu người khác không thuận theo ý của mình, mình bèn nổi cơn thịnh nộ, chẳng chấp nhận lý lẽ của người ta.
  • SI là ngu si (tiếng phạn: Moha). Tuy vậy, ngu si không đơn giản là chẳng biết gì. Kẻ dẫu đọc hết sách vở thế gian, vừa qua mắt liền nhớ, mở miệng thành chương, nhưng chẳng tin nhân quả ba đời, chẳng tin lục đạo luân hồi thì cũng là SI.

Vậy Sân Si là chỉ sự tham lam hiếu thắng, mê muội đến cố chấp và bảo thủ, không suy xét đúng sai mà chỉ dựa trên cảm tính để phán đoán việc tốt xấu, lợi hại.

Như vậy ta thấy Tham Sân Si luôn đi cùng nhau và tạo thành tam độc mà mọi người cần tránh để cuộc sống được an nhiên.

Sân si là gì

Chuyện về Tham Sân Si

Một người nông dân hàng ngày chăm chỉ cày cấy trên thửa ruộng nhà mình.

Anh ta là người mộ Phật nên buổi tối hay niệm Kinh phật mà quán tưởng đến quả La Hán – như là thứ mang ý nghĩa của sự thanh tao túc nhàn.

Một đêm ngủ mơ thấy trong ruộng nhà mình có 18 quả La Hán, ngủ dậy rất sảng khoái, ách Trâu đi cày. Lạ thay những lớp đất lật lên có một quả La Hán thật.

Mang về bày, khoe. Hàng xóm đến hỏi han chúc phúc lộc, nói rằng xưa nay ai được như thế sẽ gặp được những điều tuyệt vời. Nhưng thấy mặt anh ta đăm chiêu, đứng ngồi không yên, trở nên bẳn tính khí.

Hỏi tại sao như thế, anh ta buồn bực bức bối nói:

Thế 17 quả La Hán còn lại đâu ? Tôi làm sao mà yên nổi khi không tìm thấy chúng.

Sau hôm đó, cả nhà anh ta bỏ việc cày cấy để tìm 17 quả La Hán còn lại. Những lời đồn đoán được truyền miệng lan tràn, rộng rãi… Những kẻ đầu cơ từ nơi khác đổ về để tìm kiếm…

Và những thôn dân trong làng chẳng còn được yên ổn và yên tâm làm ăn như trước nữa.

Một thời gian sau cả làng rệu rã, đói kém… Họ đổ tại anh kia tung tin về 18 quả La Hán, và rất có thể quả La hán anh ta đang có là rởm…

Nếu như anh nông dân kia không Tham Sân Si, không được một muốn mười thì có lẽ câu chuyện đã có kết thúc đẹp. Những cũng bởi tham lam, u muội mà khiến cho cả làng gặp hoạ, cũng bởi sự ganh ghét mà anh bị mang tiếng, bị gán là tung tin và quả La Hán là giả.

Một câu chuyện ngắn nhẹ nhàng nhưng cũng giúp chúng ta hiểu được nhân quả của Tham sân si. Thật đúng khi coi tham sân si là tam độc, là ba nghiệp của ý.

Luận về Tam độc Tham Sân Si theo quan điểm của phật giáo

Tham sân si là ba nghiệp của ý, trong mỗi loại độc này đều có ba tầng: Thô, tế và vi tế.

Tâm tham – sân – si ai nấy đều có. Nếu biết đấy là bệnh thì thế lực của chúng khó thể lừng lẫy. Ví như kẻ giặc vào nhà người ta. Nếu chủ nhân coi nó là người nhà, thì toàn bộ những thứ quý báu trong nhà đều bị nó lấy trộm hết sạch.

Nếu biết nó là giặc, chẳng cho nó lưu lại trong nhà mình một khắc. Phải đuổi nó đi xa cho khuất mắt, ngõ hầu của cải chẳng bị mất mát, chủ nhân mới yên dạ.

Vậy nên cổ đức nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm”. Tham – sân – si vừa khởi nhận biết liền thì ngay lúc ấy chúng sẽ bị tiêu diệt.

Nếu coi tham – sân – si là chủ nhân chánh thức của nhà mình thì cũng như nhận giặc làm con. Của cải quý báu trong nhà ắt phải tiêu tán!

Hết thảy chúng sanh mê trái bổn tâm, đuổi theo vọng cảnh. Khởi tham – sân – si, tạo giết, trộm, dâm. Nên suối cuộc đời chẳng lúc nào được an, chết đi theo nghiệp mà thọ báo.

Hết kiếp này đến kiếp khác trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Ngụp lặn trong tam giới, trải kiếp dài lâu không thể ra khỏi sanh tử.

Luận về Tham

Tham về mặt thô như ăn uống, vơ vét tiền của, vật chất…về mình thì dễ thấy. Nhưng tham về mặt tế hoặc vi tế thì ẩn sâu khó biết, người học Phật cần phải hết sức lưu tâm.

Chẳng hạn như số tiền trăm vạn không làm cho tham, nhưng số bạc triệu, tỷ có thể khiến phải động tâm. Sắc đẹp tầm thường dễ dàng lướt qua, song giai nhân tuyệt mỹ có năng lực giục người mê lụy.

Cho đến các vị tu mà còn đắm ưa chuỗi tốt, tượng đẹp, hoặc cảnh giới lành, cũng thuộc về tâm tham nhiễm. Phải nên xem đó là những phương tiện, hoặc cảnh nhân duyên như huyễn, chớ sanh lòng tham trước.

Để phân tích tâm trạng này, xin đưa ra ba câu chuyện với tánh cách hiểu dụ từ cạn đến sâu:

Chuyện về lòng tham ẩn mật khó thấy

Thuở xưa bên Trung Hoa có một vị quan nổi tiếng là thanh liêm. Ai đưa vàng bạc lo lót, cũng đều nghiêm trách không nhận.

Nhưng độ nọ, một nhà hào phú vì muốn nhờ giải quyết việc riêng có tính chất đặc biệt, nên hối lộ đến mười vạn quan tiền. Vị quan liền thâu nhận.

Sau đó người bạn hỏi duyên cớ, ông đáp: “Số tiền mười vạn có thể thông cảm với thần minh”.

Vị quan trên chỉ có thể thanh liêm được với số tiền nhỏ, nhưng không thanh liêm nổi với số tiền quá lớn. Đây là lòng tham nhiễm ẩn sâu.

Chuyện về lòng tham dạng Tế

Lại câu chuyện đời Minh. Một hôm Liên Trì đại sư ngồi nói chuyện với khách tăng.

Ông khách than: Người tu đời nay hầu hết đều đắm nhiễm về danh lợi.

Đại sư nói: Tôi thấy Ngài là bậc thanh khiết, vì từ trước đến nay đã chối bỏ hết danh lợi người ta đem đến cho mình.

Khách tăng nghe xong gương mặt thoáng lộ nét hoan hỉ. Vị khách tăng này tuy không thích những danh vọng thông thường, nhưng còn ưa được tiếng thanh cao tuyệt tục. Đây là tâm tham nhiễm thâm trầm ở dạng tế.

Vi tế (微細)  những điều nhỏ bé mầu nhiệm ẩn tàng sâu xa phía dưới một hình thức, một trạng thái hay một hoạt động  đó.

Lòng tham ở cảnh giới Vi tế

Vi tế (微細)  những điều nhỏ bé mầu nhiệm ẩn tàng sâu xa phía dưới một hình thức, một trạng thái hay một hoạt động  đó.

Có bà lão nhiều đạo tâm, cất ngôi tịnh am lo đầy đủ tứ sự cúng dường, ủng hộ một vị sư ông tham thiền tu niệm.

Qua hai chục năm, một hôm bà lão dặn bảo cô con gái rằng: Bữa nay, sau khi đem cơm cho sư thọ trai xong, con thừa lúc bất ngờ ôm ngay sư mà hỏi: “Lúc này như thế nào? Sư trả lời ra sao, con vào đây thuật lại cho mẹ rõ.”

Cô con gái y như lời, ôm sư gạn hỏi. Sư đáp: “Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí.”

Với câu này, ý sư muốn bảo: “Mình chẳng mảy may động tâm về sắc dục, ví như cây khô nương tựa gộp đá lạnh. Lại ở vào ba tháng mùa đông, tìm một chút hơi ấm cũng không có.”

Cô con gái trở vào thuật lại, lão bà không vui, bảo: “Thật uổng công ta hai mươi năm lo lắng, không ngờ chỉ ủng hộ một kẻ phàm phu!” Nói xong, lão bà ra đuổi nhà sư đi, rồi châm lửa đốt luôn cái am.

Thật ra, tu đến trình độ của sư ông, đời nay cũng ít có. Còn lão bà vốn là một vị Bồ Tát, hành động đốt am là muốn khai ngộ cho thiền sư.

Tại sao thế? Bởi sư tuy không động tâm về sắc dục, nhưng còn thấy mình thanh tịnh. Còn trụ tâm nơi tướng vắng lặng không của thiền định, tức là chưa được đại triệt, đại ngộ.

Để phân tích thêm cho rõ thêm câu chuyện ở trên chúng ta cần biết. Thiền môn có ba cửa ải phải vượt qua là:

  • Bản Tham quan
  • Trùng quan
  • Lao quan.

Người tu thiền tham thoại đầu đến khi phá được nghi tình, tỏ suốt ý tây lai. Nhìn rõ mặt mày trước khi cha mẹ chưa sanh, tức đã vượt qua cửa ải thứ nhứt, gọi là “Phá Bản Tham”. Đến trình độ này, dù đã dứt được tưởng tâm hư vọng từ vô thỉ, nhưng còn cảnh giới năng sở đối đãi của quán trí, hãy chưa tuyệt tướng quên tình.

Cho nên tuy đã vô tâm cùng thế sự, nhưng đối với đại đạo vẫn cách một lớp cửa dày dặn trập trùng.

Cổ đức bảo:

Chớ gọi vô tâm nguyên thật đạo.

Vô tâm còn cách một trùng quan!

Chính là ý này. Nhà sư trên tuy đã đạt đến cảnh giới khá cao, nhưng hãy còn trụ tâm nơi tịnh tướng. Đây cũng là một sự tham nhiễm vi tế, mà người tu cần phải dứt trừ.

Người niệm Phật cũng thế. Phải rõ tất cả sắc tướng đều như huyễn. Dù tu đến cảnh giới nhứt tâm, thấy hoa sen báu, các tướng tốt, thấy chư Phật Bồ Tát hiện thân.

Nên biết đó chẳng qua là do nhân lành cảm quả lành. Cứ an nhiên đừng đắm nhiễm tham trước, cũng không nên phủ nhận. Như vậy mới gọi là hiểu ngộ lý: “Như thật bất không” của tạng tâm.

Luận về Sân

Trong tam độc tham sân si, duy có sân hận tướng trạng rất thô bạo, phá hoại hành giả mạnh mẽ nhứt.

Nên người xưa đã bảo: “Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.” Câu này có nghĩa: Khi khởi một niệm giận hờn, tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại.

Chẳng hạn như lúc đang niệm Phật, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt. Hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình, liền buồn giận bức rức không an.

Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm Phật, nhưng lòng phiền muộn, vọng tưởng sôi nổi. Có người bỏ chuỗi thôi niệm, xuống nằm gát tay suy nghĩ vẫn vơ.

Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ, muốn gặp ngay người đó la hét một hồi. Hoặc tìm cách trả thù cho đã giận. Tâm niệm sân hận nó phá hại người tu đến như thế.

Người phú quý thường hay nóng giận. Phàm mọi chuyện muốn được như ý phải có người để sai bảo. Hễ hơi chút sai trái liền sanh phẫn nộ, nhẹ thì buông lời dữ ác, nặng thì roi vọt vụt đánh. Chỉ cốt khoái ý mình, chẳng đoái hoài người khác đau lòng!

Lại nữa, tâm sân nếu khởi lên thì vô ích cho người, tổn hại cho mình. Nhẹ thì cũng khiến cho tâm ý bực bội, xáo động. Nặng thì gan lẫn mắt đều bị tổn thương. Hãy nên giữ sao cho trong tâm thường có một khối nguyên khí thái hòa thì bệnh tật tiêu diệt, phước thọ tăng trưởng

Cách đối trị sân giận

Muốn đối trị sân giận, phải khởi lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa nói: “Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi.”

Phải nghĩ rằng: Ta cùng chúng sanh đồng là phàm phu chìm trong biển khổ sanh tử. Tất cả đều do nghiệp phiền não, mà phiền não vốn hư huyễn không có thật. Như một niệm sân hận, trước khi chưa khởi nó từ đâu đến. Lúc tan rồi lại đi về đâu?

Khi giận hờn ta tự làm khổ cho ta trước, vì đã nổi lửa phiền não thiêu đốt lấy mình, mà cũng không thể cải hóa làm lợi lạc chi cho người. Như thế có phải là si mê vô ích chăng?

Lại nên nghĩ: Người có hành động xấu làm tổn hại cho ta. Kẻ đó vì mê muội đã gây nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận. Bởi nếu sáng suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy.

Ta là Phật tử, phải áp dụng giáo lý đức Thế Tôn để tự cởi mở sự ràng buộc oan trái cho mình. Vì mục đích tu hành là cầu sự giải thoát an vui, chớ không phải tìm lối khổ.

Đối với hành động tàn hại đó, ta phải xót thương tha thứ. Nhu hòa nhẫn chịu và xem mọi việc đều hư huyễn không không. Nên nhớ lời cổ nhơn:

Lửa tham sân si tam độc, đốt hết rừng công đức.

Muốn hành Bồ Tát đạo, giữ thân tâm nhẫn nhục.

Từ bi là nước tịnh mát mẻ, rưới tắt lửa phiền não. Nhẫn nhục là áo giáp bền chắc ngăn tất cả mũi tên độc. Pháp không là ánh sáng phá tan khói mù tối tăm. Biết dùng ba điều này để dứt trừ sân hận, tức đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai vậy

Luận về Si

Người ngu si không có trí tuệ, không biết phân biệt đúng sai, khổ sở như thế nào chắc không cần bàn đến. Đây chỉ nói về si dưới dạng tế và vi tế, cho người học Phật minh bạch mà thôi.

Người tu khi với sự lý của mọi vấn đề không thể hiểu minh bạch, rồi từ đó dẫn sanh tất cả điều mê hoặc. Khiến cho tâm niệm chẳng yên, đó là lúc nghiệp si nổi lên.

Chẳng hạn như trong khi đang tu, thoạt nhớ có kẻ nói phải niệm chừng nào nhứt tâm bất loạn mới được vãng sanh. Nay xét mình khó nỗi đến trình độ ấy, công hành đạo e luống uổng. Rồi sanh ý phân vân, đó là hiện tướng của nghiệp si.

Si mê là nguồn gốc của tất cả phiền não. Tham, Sân do Si mà Mạn, Nghi, Ác Kiến cũng đều do Si. Như khi khởi niệm:

  1. Sự hành đạo siêng nhọc của ta, chưa chắc người xuất gia đã bằng: Đó là Ngã Mạn phiền não.
  2. Lúc niệm Phật, bỗng sanh ý nghĩ: Cõi Cực Lạc trang nghiêm dường ấy, mình nghiệp dày phước mỏng, biết có được vãng sanh hay chăng? Đó là Nghi phiền não.

Ác kiến là sự thấy hiểu cố chấp xấu ác, gồm năm điều Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến Thủ kiến, và Giới Thủ kiến. Như đang tu hành, chợt nghĩ:

Ác kiến là gì

  1. Thể chất mình vẫn yếu, hôm nay lại nghe mỏi nhọc. Nếu niệm Phật thêm lâu nữa sợ e phải đau. Đó là Thân kiến.
  2. Hoặc nghĩ: Chết rồi như đèn tắt, nếu có đời trước sao mình không nhớ? Tốt hơn là nên tu tiên để được sống lâu không chết. Đây là đoạn kiến và thường kiến trong Biên kiến.
  3. Hoặc suy tưởng tại sao có người làm lành lại mạng yểu, chết một cách dữ dằn. Kẻ làm nhiều điều ác lại sống lâu, chết rất tốt đẹp yên ổn? Vậy thì tu hành đâu có ích lợi chi! Đây là lối chấp Tà kiến, không thấu suốt lý nhân quả ba đời.
  4. Có kẻ lại nghĩ: Trước kia mình tu theo cách luyện điển của giáo phái khác, mới ít tháng liền có sự biến đổi. Nay sao niệm Phật đã lâu mà không thấy chuyển động gì? Đây là Kiến Thủ kiến, tức là chấp lấy sự nhận thức sai lầm của mình.
  5. Hoặc lại suy nghĩ. Bên đạo khác họ sát sanh vẫn cầu được về Thiên Đường. Mình cũng cầu sanh Cực Lạc, vậy cần chi phải giữ giới sát? Đây là Giới Thủ kiến, tức sự chấp hiểu lầm lạc về giới pháp.

Hình thức của nghiệp si rất nhiều. Nhưng người tu Tịnh Độ cần nhứt là phải y theo kinh Phật, và đặt trọn vẹn đức tin vào đó. Đối với đạo lý sâu xa, điều nào không biết thì nên tìm hỏi nơi bậc thiện tri thức.

Nghiệp si dễ khiến cho người lạc mất chủ hướng khi bị các thuyết khác đả phá, mà môn Tịnh Độ lại là pháp thâm diệu khó tin hiểu.

Tam lượng cho người Phật tử

Theo kinh luận, người niệm Phật nên y theo ba lượng để củng cố lòng tin.

  1. Lý trí lượng: Là sự suy lường tìm hiểu của lý trí. Chẳng hạn như suy nghĩ: Các thế giới đều do tâm tạo, đã có cõi người thuộc phân nửa nghiệp thiện ác, tất có tam đồ thuộc nhiều nghiệp dữ, và các cõi trời thuộc nhiều nghiệp lành. Như thế tất cũng có cõi Cực Lạc do nguyện lực thuần thiện của Phật, và công đức lành của chư Bồ Tát cùng những bậc thượng thiện nhơn.
  2. Thánh ngôn lượng: Là giá trị lời nói của Phật, Bồ Tát trong các kinh luận. Đức Thế Tôn đã dùng tịnh nhãn thấy rõ y báo, chánh báo cõi Cực Lạc, và diễn tả cảnh giới ấy trong các kinh Tịnh Độ. Các bậc đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền đều ngợi khen cõi Cực Lạc và khuyên nên cầu vãng sanh. Người Phật tử nếu không lấy lời của Phật, Bồ Tát làm mực thước, thử hỏi còn phải tin ai hơn?
  3. Hiện chứng lượng: Là lối tìm hiểu do sự thấy biết hoặc chứng nghiệm hiện thật, để khởi lòng tin. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đã chứng minh rất nhiều vị niệm Phật được vãng sanh. Ở Việt Nam ta cũng có nhiều Phật tử tu Tịnh Độ được về Cực Lạc. Chẳng những thế, mà hiện tiền khi tịnh niệm các vị ấy cũng thấy cảnh Tịnh Độ hiện bày. Nếu không có cõi Cực Lạc, và không có Phật A Di Đà tiếp dẫn, thì làm sao những vị ấy thấy rõ và được kết quả vãng sanh?

Tham sân si: Lời kết

Trên đây là ba lượng mà hành giả Tịnh Độ phải y cứ để giữ vững lòng tin. Lại theo Ấn Quang pháp sư. Người niệm Phật không nên đem sự tu Tịnh Độ thỉnh giáo các vị thiện tri thức bên Thiền Tông.

Bởi lối đáp của những vị ấy đều đi về bổn phận. Tức là nói về lý tánh, mà Tịnh Độ thì thuộc về tướng tông. Vì chỗ chủ trương khác nhau như thế, nếu kẻ sơ học chưa dung thông tánh tướng. Sợ không được lợi ích chi, mà còn tăng thêm lòng nghi ngại phân vấn bất nhứt.

Tổng kết

Qua bài chia sẻ vừa rồi chắc hẳn quý vị và các bạn cũnh đã hiểu được sân si và tham sân si là gì phải không ạ. Tuy nhiên quý vị nên nhớ “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Với lại ý nghĩa của câu nói còn phụ thuộc vào ngữ cảnh.

Vì vậy sân si là tham lam, hiếu thắng bất chấp đúng sai, Sân si là chỉ sự bóng giận mất khôn, Sân si là chỉ sự nóng giận, hận thù và u mê… Chúng ta nên tùy vào hoàn cảnh của câu nói mà hiểu cho đúng.

Chúc quý vị an nhiên và hoan hỉ!

Qua bài viết: Sân si là gì? Luận Tham Sân Si theo quan điểm của phật giáo nếu vẫn còn thắc mắc hoặc cần tư vấn, hỗ trợ. Quý khách vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:

Lý khí Việt Nam

Chuyên Phong Thủy Thần số học

Hotline: 0976 067 303
Email: lykhivn@gmail.com

Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết. Vui lòng chia sẻ bài viết nếu bạn thấy thông tin ở trên sẽ hữu ích với nhiều người!

Chúc bạn buổi sáng tốt lành!

Bài viết liên quan

Xem hướng nhà Xem tuổi làm nhà Xem tuổi vợ chồng Sinh con hợp tuổi Xem bói theo ngày sinh Giải mã giấc mơ điềm báo Xem Sao chiếu mệnh Xem ngày tốt xấu